(HNM) - Theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ chăn nuôi về phối giống nhân tạo gia súc, con giống vật nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020), đối tượng được hưởng chính sách trên là các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (gọi chung là hộ chăn nuôi); người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc.
Theo đó, hộ chăn nuôi được hỗ trợ phối giống nhân tạo hằng năm đối với lợn, trâu, bò nếu đáp ứng điều kiện: Chăn nuôi dưới hoặc 10 con lợn nái; dưới hoặc 10 con trâu, bò sinh sản, có nhu cầu, làm đơn đăng ký và được UBND cấp xã xác nhận; sử dụng loại tinh theo yêu cầu của địa phương, có nhãn mác rõ ràng và tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với hướng dẫn của Bộ NN&PTNT.
Hộ chăn nuôi còn được hỗ trợ mua lợn, trâu, bò đực giống và gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Cụ thể, hỗ trợ 1 lần đến 50% giá trị con lợn, trâu, bò đực giống cho các hộ chăn nuôi ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn để thực hiện phối giống dịch vụ.
Hỗ trợ 1 lần đến 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ bình quân đối với gà, vịt giống không quá 50.000 đồng/con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị.
Về xử lý chất thải chăn nuôi, các hộ sẽ được hỗ trợ 1 lần đến 50% giá trị xây công trình khí sinh học xử lý chất thải chăn nuôi với mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/công trình/hộ. Được hỗ trợ 1 lần đến 50% giá trị làm đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, mức hỗ trợ không quá 5 triệu đồng/hộ.
Ngoài ra, Quyết định cũng quy định chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển phối giống nhân tạo gia súc. Theo đó, sẽ hỗ trợ 1 lần đến 100% kinh phí đào tạo, tập huấn cho các cá nhân về kỹ thuật phối giống nhân tạo gia súc, mức hỗ trợ không quá 6 triệu đồng/người.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.