Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách đối ngoại độc lập của Philippines: Nỗ lực tạo thế cân bằng

Thùy Dương| 14/10/2016 06:53

(HNM) - Có vẻ như chính sách đối ngoại độc lập mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte theo đuổi đang gây nhiều “xáo trộn” trong quan hệ với Mỹ, một trong những đồng minh thân cận và lâu đời của quốc gia Đông Nam Á này. Sự “tái cơ cấu” chính sách đối ngoại với rất nhiều khác biệt so với người tiền nhiệm



Cuộc tập trận ngày 10-10 có thể là cuộc tập trận cuối cùng giữa Mỹ - Philippines trong nhiệm kỳ của ông R.Duterte.


Kể từ khi nhậm chức vào cuối tháng 6 vừa qua, chính sách ngoại giao của Tổng thống R.Duterte chuyển về phía lập trường dân tộc nhiều hơn, đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với các nhà lãnh đạo gần đây của quốc gia này. Quan hệ quân sự Mỹ - Philippines đã tiến triển tốt đẹp dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino. Hai nước đã công bố kế hoạch triển khai lực lượng quân sự Mỹ luân phiên ở 5 căn cứ tại Philippines trong bối cảnh tranh chấp trên Biển Đông ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, gần đây ông R.Duterte đã đưa ra nhiều phát ngôn mâu thuẫn về quan hệ đồng minh với Mỹ. Nhà lãnh đạo Philippines tuyên bố đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng không chuẩn bị bất cứ cuộc tập trận chung nào với quân đội Mỹ trong năm 2017 hay yêu cầu Washington rút các cố vấn quân sự Mỹ ra khỏi miền Nam đảo Mindanao, nơi quân đội Philippines đang chiến đấu với các phần tử nổi dậy Hồi giáo. Thực tế, kể từ khi Mỹ rút phần lớn lực lượng quân sự khỏi Philippines vào thập niên 1990, nhiều người dân đảo quốc này không còn muốn chứng kiến lính Mỹ đóng quân ở đây, dù chỉ là lực lượng nhỏ lính đặc nhiệm hỗ trợ chống khủng bố ở Mindanao. Thế nên, tuyên bố trên của ông R.Duterte dường như nhằm chiều theo ý nguyện của dân chúng, từ đó thu hút thêm sự ủng hộ và danh tiếng trong giai đoạn mới nắm quyền.

Những phát ngôn “gây sốc” mà ông R.Duterte nhằm vào Mỹ được cho là để thể hiện chính sách bớt lệ thuộc an ninh vào Washington. Việc giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ sẽ giúp Philippines thuận lợi hơn trong các cuộc đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông cũng như cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai bên và có thể là nhận viện trợ kinh tế từ Bắc Kinh. Điều này sẽ được khẳng định rõ hơn trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng thống R.Duterte vào tuần tới. Sự kiện này được các nhà phân tích đánh giá là sẽ khép lại quãng thời gian dài căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước và là thời cơ để Philippines tìm kiếm quan hệ đối tác mới với Trung Quốc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp tác với quốc gia có dân số đông nhất thế giới sẽ mang lại cho Philippines nhiều nguồn lực, thúc đẩy giải quyết nhiều vấn đề cấp bách trong nước, như cơ sở hạ tầng yếu kém, tình trạng thất nghiệp và an ninh năng lượng trong bối cảnh trữ lượng khí đốt cạn kiệt. Sau chuyến thăm Trung Quốc, nhà lãnh đạo Philippines sẽ công du Nga với tuyên bố rằng, cần sự hỗ trợ của Nga trong mọi vấn đề thương mại. Không chỉ vậy, Philippines còn tuyên bố sẽ mua vũ khí của Nga và Trung Quốc.

Rõ ràng, nếu người tiền nhiệm B.Aquino đã nỗ lực tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ như một lựa chọn nhằm bảo đảm an ninh quốc gia thì Tổng thống R.Duterte đã đặt “liên minh Mỹ - Philippines trước thử thách”. Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định, Tổng thống R.Duterte đang áp dụng chính sách “nhất cử lưỡng tiện”, vừa xoa dịu Trung Quốc, vừa thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ. Đằng sau kế sách đó là việc Manila không muốn bị trói buộc vào một quan hệ duy nhất.

Dù những tuyên bố của ông R.Duterte có thể sẽ khiến mối quan hệ liên minh giữa Mỹ và Philippines trở nên phức tạp hơn, nhưng Washington vẫn tỏ ra khá kiên nhẫn. Một trong những lý do là Philippines luôn đóng vai trò trung tâm trong chính sách xoay trục của Mỹ sang Châu Á - Thái Bình Dương, tạo ra vùng phòng thủ tên lửa Châu Á từ Nhật Bản đến Australia. Vì vậy, nếu mất đi các căn cứ quân sự tại Philippines thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược của Mỹ. Do đó, bất chấp những phát biểu không mấy dễ chịu của ông R.Duterte, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Daniel Russel vẫn nhấn mạnh, các tuyên bố của Tổng thống Phillipines mang nhiều màu sắc chính trị khác nhau nhưng hiện chưa phải thời điểm thích hợp để khẳng định các phát ngôn này ảnh hưởng trực tiếp đến các chương trình hợp tác chung giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng.

Việc chấm dứt mối quan hệ đồng minh nhiều thập kỷ với Mỹ không phải là một lựa chọn có lợi cho Manila. Do vậy, rất khó có thể đoán định sự hợp tác giữa Mỹ và Philippines sẽ tiếp tục tốt đẹp hay nhạt nhòa. Nhưng có một điều chắc chắn là, ông R.Duterte đang tìm kiếm thế cân bằng cho Manila giữa các siêu cường và thực tế này sẽ tác động đáng kể đến bức tranh địa chính trị khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đối ngoại độc lập của Philippines: Nỗ lực tạo thế cân bằng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.