(HNM) - Những
Theo đó, những "báu vật nhân văn sống" sẽ được Nhà nước đãi ngộ theo chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nghệ nhân gìn giữ, trao truyền vốn di sản văn hóa quý giá của dân tộc.
Dù đã góp phần quan trọng bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù nhưng cụ Nguyễn Thị Chúc (ảnh), cũng như nhiều nghệ nhân cao tuổi khác, vẫn chưa được hưởng chính sách đãi ngộ thường xuyên. |
Trong tờ trình Thủ tướng, Bộ VH,TT&DL nêu rõ, nghệ nhân có vị trí quan trọng hàng đầu, họ là người kế thừa, có nhiệm vụ gìn giữ, thực hành và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cho thế hệ mai sau. DSVHPVT tồn tại phụ thuộc phần lớn vào nghệ nhân, người thực hành và họ được ví như những "bảo tàng sống", "báu vật nhân văn sống". Khi một nghệ nhân mất đi, họ mang theo toàn bộ "báu vật" đó. Tuy nhiên, đến nay, việc ban hành chính sách đãi ngộ dành cho các nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực DSVHPVT vẫn còn chậm.
Thời gian gần đây, những người yêu ca trù không khỏi hụt hẫng khi nghe tin nghệ nhân ca trù bậc thầy Nguyễn Thị Chúc (sinh năm 1930) ốm nặng. Cụ Nguyễn Thị Chúc không còn đủ sức khỏe để truyền dạy, biểu diễn những làn điệu ca trù cổ và điều đó đồng nghĩa với việc vốn di sản ca trù mai một ít nhiều. Trong lúc về dưỡng bệnh tại quê nhà (xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội), nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được các thế hệ học trò chăm sóc chu đáo, được "đồng nghiệp" và một số cán bộ ngành văn hóa Hà Nội tới thăm hỏi, động viên, tặng quà. So với những nghệ nhân ra đi trước đó, cụ Nguyễn Thị Chúc có phần may mắn hơn, nhưng dường như sự quan tâm về mặt tinh thần ấy là chưa đủ khi cả đời gắn bó với nghiệp ca trù, góp phần gìn giữ ca trù nhưng đến giờ cụ vẫn chưa được hưởng chính sách đãi ngộ thường xuyên. Không riêng cụ Nguyễn Thị Chúc, nhiều nghệ nhân tuổi đã cao, sức đã yếu, nắm giữ kho di sản khổng lồ và như người ta nói: Vẫn đang "uống nước lã" truyền dạy vốn quý.
Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm đầu tư kinh phí giữ gìn DSVHPVT thì di sản ở địa phương đó có cơ hội hồi sinh, phát triển. Chẳng hạn như di sản hát xoan (Phú Thọ), sau khi được UNESCO vinh danh đã không chỉ "sống lại" ở những phường xoan gốc, mà còn thể hiện sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Rất nhiều cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên, người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay biết hát xoan. "Chúng tôi yêu di sản và sẵn sàng truyền dạy mà không đòi hỏi phải được trả công cao, nhưng khi nhận được sự quan tâm bằng cả vật chất, tinh thần từ các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ, chúng tôi thấy công sức, sự nhiệt huyết của mình suốt bao năm qua đã được ghi nhận, vui lắm. Nhận được sự quan tâm như thế, thấy di sản mà chúng tôi yêu như máu thịt của mình có cơ hội thoát khỏi tình trạng cần được bảo vệ khẩn cấp vào năm 2015, không có lý do gì mà chúng tôi không dốc hết gan ruột cho hát xoan". - Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, phường xoan An Thái, xã Phượng Lâu, TP Việt Trì (Phú Thọ) cho biết.
Tương tự, tỉnh Bắc Ninh đầu tư gần 65 tỷ đồng để bảo tồn, phát huy giá trị của di sản ca trù, quan họ giai đoạn 2013 - 2016, một phần không nhỏ trong số đó được dùng để đãi ngộ nghệ nhân, hỗ trợ truyền dạy, kiểm kê di sản. Ngoài Bắc Ninh, Phú Thọ, hằng năm, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng tôn vinh những nghệ nhân thuộc lĩnh vực này. Nhưng vì là một tổ chức nghề nghiệp - xã hội, nên sau vinh danh, Hội Văn nghệ dân gian hoàn toàn không có kinh phí hỗ trợ. Do đó, việc Bộ VH,TT&DL trình dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đề nghị Thủ tướng xem xét, phê duyệt vào thời điểm này là hợp lý, dù đã muộn nhưng còn hơn không.
Nói về dự thảo nghị định này, GS Ngô Đức Thịnh (Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia) cho biết, nhiều nước Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản đã phong tặng nghệ nhân của họ danh hiệu "Báu vật quốc gia", đề ra chế độ đãi ngộ rất cao từ cách đây vài chục năm. Nhiều nước phương Tây bảo vệ DSVHPVT bằng cách tạo ra môi trường để các nghệ nhân hoạt động và nâng cao thu nhập từ đó. Nước ta có kho tàng DSVHPVT vô cùng phong phú, trong đó có nhiều di sản đã được UNESCO vinh danh, nhiều di sản đang đứng trước nguy cơ mai một, nên việc Nhà nước có chính sách đãi ngộ nghệ nhân, tạo môi trường thuận lợi để nghệ nhân hoạt động là vô cùng cần thiết, không nên chậm trễ thêm nữa.
Dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân", "Nghệ nhân ưu tú" trong lĩnh vực DSVHPVT gồm 5 chương, 20 điều. Đối tượng xét tặng được quy định trong dự thảo Nghị định là công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản phi vật thể thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ nhân trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian. Nội dung của dự thảo Nghị định lần này được đánh giá là tương đối hoàn thiện so với những dự thảo trước đó, nếu được phê duyệt thì đó sẽ là văn bản pháp lý quan trọng để thực hiện chính sách tôn vinh và đãi ngộ nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực DSVHPVT, đáp ứng nguyện vọng của các nghệ nhân và cộng đồng, là biện pháp cơ bản trong việc bảo vệ, gìn giữ DSVHPVT… |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.