Đầu tư

Chính sách đặc thù cho Hà Nội cần tập trung vào tài chính, đất đai và đầu tư

Bảo Hân 22/06/2024 13:45

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu, các chính sách đặc thù tập trung sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân tại Hà Nội.

db-tpb.jpg
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu tại phiên thảo luận chiều 28-5. Ảnh: media.quochoi.vn

Tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 28-5, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) đề nghị, bổ sung Khoản 2 Điều 2 nội dung "Thủ đô cũng là trung tâm y tế và chăm sóc sức khỏe lớn nhất của cả nước". Nội dung này nhằm nhấn mạnh vai trò quan trọng của Hà Nội trong lĩnh vực y tế, đặc biệt là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe và y tế ngày càng tăng của người dân, kể cả trong nước và khách quốc tế.

Về giải thích từ ngữ, tại Điều 3, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm khoản quy định "khu vực đặc quyền kinh tế là khu vực xác định trong quy hoạch chung Thủ đô, có chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế". Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào những khu vực được quy hoạch, thúc đẩy kinh tế Thủ đô phát triển theo hướng đặc biệt.

Về trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô tại Điều 5, đại biểu đề nghị sửa Khoản 1 theo hướng "Xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp và liên tục của các cấp chính quyền, người dân thành phố Hà Nội, đồng thời là trách nhiệm chung của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang và toàn thể nhân dân cả nước". Quy định này nhằm cụ thể hóa hơn vai trò liên tục của các cấp chính quyền và người dân, nhấn mạnh tính liên tục, không gián đoạn trong nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô.

“Đề nghị bổ sung Khoản 2 Điều 6 theo hướng biểu tượng của Thủ đô phải được bảo vệ, tôn tạo và duy trì theo quy định của pháp luật. Quy định này nhằm bảo vệ, duy trì biểu tượng là cần thiết để giữ gìn giá trị văn hóa và lịch sử, bảo đảm biểu tượng không bị xâm phạm hoặc xuống cấp theo thời gian”, đại biểu góp ý về biểu tượng của Thủ đô tại Điều 6.

Về tổ chức chính quyền ở thành phố Hà Nội, được quy định tại các Điểm 8, 9 và 10 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị, sửa Khoản 1 Điều 8 theo hướng chính quyền địa phương ở Hà Nội, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc thành phố, thị xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND với cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quy định, điều chỉnh nhằm nhấn mạnh sự rõ ràng trong cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn, tránh chồng chéo và tăng hiệu quả quản lý.

Khoản 3 Điều 9 cũng cần sửa đổi theo hướng HĐND thành phố Hà Nội được thành lập không quá 5 ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể, nhằm bảo đảm hiệu quả và tránh sự phân tán quyền lực. Lý do giảm số lượng ban tham mưu để tinh gọn bộ máy, tăng cường hiệu quả hoạt động và tránh sự phân tán quyền lực quá mức.

Khoản 5 Điều 10 cần được bổ sung theo hướng UBND thành phố Hà Nội có quyền đề xuất, thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững nhằm tăng cường sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Quy định này tạo cơ chế pháp lý cho UBND thành phố Hà Nội trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và bền vững, thu hút đầu tư vào Thủ đô.

Đặc biệt, góp ý về chính sách đặc thù tại Điều 34, đại biểu đề nghị, nghiên cứu, bổ sung một khoản hoặc sửa đổi, bổ sung khái quát theo hướng Thủ đô Hà Nội được áp dụng các chính sách đặc thù về tài chính, đất đai và đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư công và tư nhân.

“Theo đó, khoản này đưa ra một số quy định quan trọng mang tính chất khái quát, cho phép Hà Nội áp dụng các chính sách đặc thù, tập trung vào 3 lĩnh vực, gồm tài chính, đất đai và đầu tư. Khoản này cũng nhằm tạo ra các ưu đãi và điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững cho Thủ đô.

Các chính sách đặc thù này không chỉ giúp Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả mà còn bảo đảm sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân”, đại biểu nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đặc thù cho Hà Nội cần tập trung vào tài chính, đất đai và đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.