Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền không nghiêm, dân nhờn luật

Khánh Khoa| 19/03/2015 06:52

(HNM) - Đơn vị quản lý đê điều, chính quyền địa phương yêu cầu có biện pháp xử lý, nhưng các bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại trên các tuyến đê.

Chính quyền có biết?

Trên địa bàn các phường Liên Mạc, Thượng Cát, Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm), có tới 17 bãi chứa, trung chuyển VLXD sử dụng đất bãi ven sông, nhưng không có thủ tục pháp lý về đất đai. Đối chiếu với quy hoạch VLXD đã phê duyệt, có 7 địa điểm trong số đó không phù hợp làm bãi chứa, trung chuyển VLXD. Đáng nói là UBND các phường sở tại đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, yêu cầu các chủ bãi chứa khôi phục hiện trạng ban đầu; thậm chí đã tổ chức cưỡng chế giải tỏa công trình xây dựng trên đất. Mới nhất, tháng 7-2014, UBND quận Bắc Từ Liêm đã thành lập đoàn kiểm tra việc sử dụng đất làm bến bãi kinh doanh, trung chuyển VLXD; trên cơ sở đó, ra các quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đê điều đối với các đơn vị vi phạm trên địa bàn phường Thụy Phương, Thượng Cát, buộc di chuyển máy móc, VLXD ra khỏi khu vực vi phạm. Tuy nhiên, hầu hết các đơn vị không chấp hành, hoặc chấp hành không triệt để nội dung quyết định, trên mặt bằng bãi chứa vẫn còn VLXD.

Cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các bãi tập kết cát và vật liệu xây dựng trái phép. Ảnh: Chí Đạo


Tình trạng tương tự ghi nhận trên địa bàn huyện Gia Lâm. Chỉ trên địa bàn các xã Yên Viên, Kim Lan, Trung Mầu, Phù Đổng có 15 bãi chứa VLXD sử dụng đất ven sông không có thủ tục pháp lý về đất đai. Trong đó có 2 bãi nằm tại khu vực kè Đổng Viên (xã Phù Đổng) không phù hợp quy hoạch làm bãi chứa VLXD. Đáng chú ý, có 7 bãi chứa sử dụng đất trên cơ sở biên bản của UBND xã tạm giao đất hằng năm hoặc hợp đồng thuê đất bãi ven sông để sản xuất nông nghiệp. Cũng như quận Bắc Từ Liêm, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, môi trường, trên cơ sở đó yêu cầu các đơn vị liên quan xử lý các điểm trung chuyển VLXD này.

Việc tồn tại những bãi chứa, trung chuyển VLXD quy mô lớn không thể nói chính quyền sở tại không biết. Nếu tại Gia Lâm, UBND xã ký biên bản tạm giao đất ven sông hằng năm để sản xuất nông nghiệp, sau đó bị chuyển mục đích thành bãi VLXD, thì tại xã Hồng Vân và Ninh Sở (huyện Thường Tín), hoạt động của các bãi chứa VLXD đã bị Hạt Quản lý đê điều Thường Tín lập biên bản vi phạm, ra quyết định đình chỉ vì vi phạm pháp luật đê điều và yêu cầu giải tỏa VLXD từ tháng 10-2014. Hồ sơ vi phạm cũng đã được Hạt Quản lý đê điều chuyển đến Chủ tịch UBND các xã Ninh Sở, Hồng Vân để xử phạt hành chính. Thế nhưng, các bãi chứa vẫn hoạt động và chính quyền xã không hề có văn bản chỉ đạo, xử lý nào. Theo thống kê, địa bàn hai xã này có 7 bãi chứa VLXD không có thủ tục pháp lý về đất đai.

Nhờn luật vì xử lý không nghiêm

Theo Sở TN-MT, mặc dù UBND quận, huyện đã kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động bãi chứa VLXD, đơn cử như quận Bắc Từ Liêm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Gia Lâm đang chỉ đạo thực hiện kết luận kiểm tra... nhưng trên thực tế, việc chấp hành di dời, giải tỏa VLXD của tổ chức, cá nhân chưa nghiêm. Việc cưỡng chế của UBND xã cũng chỉ thực hiện với công trình xây dựng trái phép trên bãi chứa, còn VLXD chưa có biện pháp xử lý hiệu quả. Những bãi chứa đã giải tỏa VLXD thì hầu hết không thể đưa vào sản xuất nông nghiệp nên đất bị bỏ hoang, luôn tiềm ẩn nguy cơ bị tái chiếm, sử dụng làm bãi chứa VLXD.

Đặc biệt, nhiều nơi để xảy ra tình trạng vi phạm trong sử dụng đất ven sông làm bãi chứa trái phép kéo dài và tồn tại việc giao đất cho tổ chức, cá nhân làm bãi chứa VLXD dưới hình thức biên bản tạm giao từng năm hoặc hợp đồng giao thầu để sản xuất nông nghiệp, nhưng lãnh đạo địa phương chưa bị xử lý nghiêm theo quy định.

Sở TN-MT đã kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND cấp quận, huyện, yêu cầu UBND các xã, phường hủy bỏ mọi văn bản dưới dạng hợp đồng, biên bản tạm giao hay hình thức khác cho tổ chức, cá nhân sử dụng đất bãi ven sông mà trên thực tế đang bị chuyển đổi làm bãi chứa VLXD; đồng thời, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng vi phạm kéo dài. Về phương hướng xử lý, Sở TN-MT cho biết, sẽ yêu cầu rà soát lại việc sử dụng đất bãi ven sông. Trường hợp phù hợp với quy hoạch làm bãi chứa VLXD sẽ yêu cầu đơn vị, cá nhân liên hệ với sở để hướng dẫn lập hồ sơ thuê đất theo quy định. Trường hợp không phù hợp quy hoạch, yêu cầu UBND cấp quận, huyện kiên quyết giải tỏa, giao mặt bằng cho cấp xã, phường quản lý.

Ngoài ra, việc kiểm tra, xử lý các điểm trung chuyển VLXD ven sông cũng cần sự phối hợp đồng bộ của các ngành liên quan, nhất là với hoạt động tập kết cát đen không rõ nguồn gốc và mở bến thủy nội địa trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền không nghiêm, dân nhờn luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.