Nhằm quản lý chất lượng vật liệu xây dựng, đặc biệt với nhóm hàng nhập khẩu, hàng không rõ nguồn gốc, Thông tư 10/2024/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 16-12 của Bộ Xây dựng sẽ tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp. Thông tư này được ví như "hệ thống lọc" giúp lành mạnh hóa thị trường và giảm thiểu thiệt hại cho các đơn vị thực hiện dự án bất động sản.
Lành mạnh hóa thị trường
Hiện nay, thị trường vật liệu xây dựng đang phát triển nóng với hàng loạt dự án bất động sản đã và đang tái khởi động. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tình trạng sản phẩm kém chất lượng vẫn được đưa vào thi công đã ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Mặt khác, vẫn còn một lượng lớn hàng hóa đang lưu thông mà không rõ nguồn gốc xuất xứ và chất lượng.
Về hệ lụy, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Lê Trung Thành chỉ rõ, các vật liệu chủ lực như xi măng, gạch ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng nếu không được kiểm soát chất lượng sẽ gây thiệt hại đáng kể. Ví dụ, các công trình sử dụng vật liệu không đạt chất lượng có thể phải sửa chữa, bảo trì sau một thời gian, tốn chi phí lên đến 10-15% giá trị công trình. Vật liệu xây dựng chiếm khoảng 60-70% chi phí công trình. Nếu vật liệu không bảo đảm chất lượng, chi phí sửa chữa, thay thế có thể lên tới 50% giá trị vật liệu ban đầu.
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 10/2024/ TT-BXD, có hiệu lực từ ngày 16-12-2024, quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng. “Về cơ bản, nội dung Thông tư bảo đảm các quy định theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Xây dựng năm 2014 liên quan đến quản lý chất lượng. Trong đó, tập trung kiểm soát chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua 5 chuỗi hoạt động gồm: Sản xuất - xuất khẩu - nhập khẩu - lưu thông trên thị trường - sử dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh đánh giá.
Theo Thông tư, tất cả sản phẩm hàng hóa trên thị trường phải công bố rõ ràng về chất lượng. Đặc biệt, những sản phẩm thuộc nhóm 2 phải có giấy chứng nhận hợp quy, bảo đảm đáp ứng các quy chuẩn chất lượng. Người tiêu dùng có thể yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận hợp quy và thông tin về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để yên tâm sử dụng. Sản phẩm nào không có giấy chứng nhận hợp quy hoặc không công bố tiêu chuẩn sẽ bị loại khỏi thị trường. Nhờ đó, người tiêu dùng tránh được các sản phẩm kém chất lượng.
“Các đơn vị vi phạm sẽ bị xử phạt theo mức độ vi phạm. Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng sẽ áp dụng các nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng, bao gồm cả các vi phạm về chất lượng sản phẩm vật liệu xây dựng. Các cơ sở không thực hiện công bố chất lượng, không cung cấp giấy chứng nhận hợp quy, hoặc không tuân thủ các quy chuẩn sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Lê Trung Thành lưu ý.
Bảo đảm minh bạch, hiệu quả trong quản lý
Trong bối cảnh Thông tư số 10/2024/TT-BXD được ví như một “hệ thống lọc” loại bỏ vật liệu xây dựng không đạt yêu cầu, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc GP.Invest Nguyễn Quốc Hiệp khẳng định, các doanh nghiệp, kể cả nhà sản xuất, nhà đầu tư, nhà thầu xây dựng đều mong muốn có Thông tư này.
Hoan nghênh Thông tư mới sắp có hiệu lực, PGS.TS Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam phản ánh, hiện có nhiều nhà sản xuất không đủ điều kiện về trang thiết bị và nhân lực nhưng vẫn đưa ra các sản phẩm xi măng không đạt chuẩn, đặc biệt là ở khu vực phía Nam. Điều này gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến các nhà sản xuất xi măng uy tín. Do đó, PGS.TS Lương Đức Long hy vọng, Thông tư sẽ giúp thị trường xi măng trong nước minh bạch hơn, giảm thiểu sự cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp.
Chung quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Kính và Thủy tinh Việt Nam Nguyễn Trần Tuấn Nghĩa kỳ vọng, Thông tư số 10/2024/TT-BXD được ban hành kịp thời và cần thiết, tạo ra sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất kính chất lượng, giúp phân biệt rõ ràng sản phẩm chất lượng với sản phẩm kém chất lượng, từ đó bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành kính nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ người tiêu dùng khỏi những sản phẩm không an toàn.
Trong khi đó, Phụ trách Phòng Phát triển thị trường (Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai) Phùng Văn Thắng đề xuất cần đưa thêm các tiêu chí để đánh giá sản phẩm thân thiện môi trường và tạo ưu thế cho các sản phẩm này trên thị trường. Đồng thời, cần tăng cường xử lý vi phạm kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong Thông tư, nhóm 1 và nhóm 2 mới chỉ đưa ra danh mục các loại vật liệu xây dựng chung. Do đó, cần phải cụ thể thêm các loại vật liệu xây dựng, có những loại phải có tiêu chí đi kèm, cộng với bảng tiêu chuẩn cụ thể thì “hệ thống lọc” mới có tác dụng. Việc cụ thể hóa danh mục các loại vật liệu xây dựng, đưa vào các tiêu chuẩn để áp dụng đối với cả các cơ quan pháp lý như hải quan, kiểm soát thị trường đến người sử dụng sẽ tránh được những bất cập khi áp dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.