(HNM) - Trong khi các lò mổ nhỏ lẻ trên địa bàn Hà Nội hoạt động hết công suất thì các cơ sở giết mổ công nghiệp với trang bị hiện đại lại hoạt động cầm chừng.
Thịt "bẩn" vẫn tràn ngập thị trường
Trên địa bàn thành phố hiện có 5 cơ sở giết mổ công nghiệp, 15 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 3 cơ sở giết mổ tập trung thủ công. Các cơ sở giết mổ này mỗi ngày có thể cung ứng khoảng 445 tấn thịt gia súc (đáp ứng khoảng 71,7% nhu cầu) và 180.600 tấn thịt gia cầm (đáp ứng khoảng 97,8% nhu cầu) cho người tiêu dùng Thủ đô. Thế nhưng, hiện mỗi ngày các cơ sở giết mổ này mới chỉ cung ứng khoảng 167,6 tấn thịt lợn (đáp ứng khoảng 27% nhu cầu), 57.900 tấn thịt gia cầm (đáp ứng khoảng 31,4% nhu cầu) ra thị trường.
Lò giết mổ thủ công gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Linh Ngọc |
Trong khi các lò mổ công nghiệp, bán công nghiệp, tập trung hoạt động ì ạch với số lượng "nhỏ giọt", thì 2.491 điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ lại hoạt động hết công suất. Các lò mổ thủ công này cùng với lượng thịt gia súc, gia cầm nhập từ các tỉnh về đang là nguồn cung cấp thực phẩm chính cho người tiêu dùng Hà Nội, với 90% khối lượng thịt trâu, bò; 73% thịt lợn và 68,6% thịt gia cầm. Điều đáng nói, các điểm, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong khu dân cư tại vùng ngoại thành nên việc kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ này không bảo đảm các điều kiện vệ sinh theo quy định: Không được bố trí sắp xếp thành các khu riêng biệt; không có khu xử lý phụ phẩm; không có hệ thống xử lý chất thải rắn, lỏng... Các dụng cụ giết mổ được trang bị khá tùy tiện, thủ công, lạc hậu. Đặc biệt, chỉ riêng 2 xã Tri Thủy và xã Quang Lãng (Phú Xuyên), bình quân mỗi ngày các lò giết mổ 300 - 400 con trâu bò, trong khi đó khu giết mổ của mỗi hộ chỉ rộng khoảng 100 - 300m2, không được kiểm soát về vệ sinh thú y, nguồn gốc xuất xứ...
Không chỉ ở khu vực ngoại thành, ngay tại phường Dương Nội và phường Đồng Mai (Hà Đông) vẫn còn tồn tại 5 - 6 lò mổ hoạt động trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Trung bình mỗi lò mổ ở đây giết mổ khoảng 20-100 con lợn/ngày. Về thực trạng trên, Trạm trưởng Trạm Thú y quận Hà Đông Nguyễn Đình Tiến cho biết, hầu hết các điểm giết mổ tự phát trên địa bàn quận, lực lượng thú y vẫn chưa kiểm soát được tận gốc. Dù các lò mổ này chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, nhưng do hoạt động theo hộ gia đình nên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong kiểm tra, kiểm soát.
Theo ông Vũ Sỹ, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mê Linh, trên địa bàn huyện có khoảng 50-60 lò giết mổ nhỏ lẻ, hằng ngày mỗi cơ sở giết mổ khoảng vài chục con gia cầm, 5-30 con lợn. Lực lượng thú y đã yêu cầu các chủ cơ sở giết mổ phải cam kết kiểm soát nguồn hàng nhập vào và bán ra, bảo đảm vệ sinh môi trường, nhưng do giết mổ ngay tại gia đình, trong khu dân cư nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra.
Lỗi do đâu?
Theo quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp, từ năm 2014 đến năm 2016, 8 cơ sở giết mổ tập trung, bán công nghiệp tại các huyện sẽ được đưa vào hoạt động. Từ năm 2017 đến 2020, dự kiến mỗi huyện trên địa bàn thành phố sẽ chủ động bố trí địa điểm để xây từ 1-2 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, ngoài những cơ sở giết mổ công nghiệp hiện có, đến nay việc xây mới các cơ sở giết mổ tập trung gặp nhiều khó khăn.
Số lượng dây chuyền giết mổ hiện đại hiện chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Ảnh: Anh Quân |
Theo lãnh đạo Chi cục Thú y Hà Nội, thời gian qua, việc triển khai xây dựng các khu giết mổ tập trung còn chậm. Nguyên nhân là do các địa phương bố trí địa điểm xây dựng cơ sở giết mổ chưa phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Diện tích xây dựng cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch chưa bảo đảm nhu cầu giết mổ của một số địa phương. Một số huyện tuy đã có quy hoạch của thành phố, nhưng không bố trí được quỹ đất sạch (quỹ đất II) để xây dựng cơ sở giết mổ, dẫn đến thiếu kinh phí giải phóng mặt bằng như ở Sơn Tây, Ba Vì. Một số nơi đã bố trí được quỹ đất, nhưng chưa có doanh nghiệp đầu tư tham gia xây dựng như xã Hữu Văn (Chương Mỹ), xã Bình Minh (Thanh Oai).
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Hồng Yên cho biết, cả xã Bình Minh có khoảng 100 hộ giết mổ trâu bò và gia cầm. Để chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm trong khu dân cư, từ năm 2012, UBND thành phố đã phê duyệt Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại đây với quy mô 4,4ha, kinh phí khoảng 101 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 đến 2015. Đây là dự án dân sinh bức xúc, đã được thành phố triển khai tại nhiều cuộc họp cũng như các sở, ngành đã thống nhất về chủ trương, quy mô… Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, đến nay vẫn chưa triển khai được do không có doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Yên, ngoài những khó khăn trên thì việc chính quyền các địa phương chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giết mổ, kinh doanh sản phẩm động vật cũng làm cho tình hình "nóng" hơn. Việc xử lý vi phạm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm của các cấp, các ngành chức năng chưa triệt để, nghiêm minh. Năng lực quản lý các cơ sở giết mổ của chính quyền địa phương, thú y cấp xã còn yếu nên việc quản lý các cơ sở nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn. Quyết định 16 của UBND thành phố chỉ hỗ trợ sau đầu tư đối với các cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp. Trong khi đầu tư vào xây dựng cơ sở giết mổ tập trung rủi ro nhiều, giá trị đầu tư cao, khấu hao nhanh, lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Trong khi đó, cả trung ương và thành phố chưa có văn bản quy định cụ thể về kinh phí hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.