Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm

Tuấn Khải| 29/12/2012 07:39

(HNM) - Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông (UTGT) giai đoạn 2012-2015 là tăng cường quản lý vỉa hè, lòng đường, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, lắp dựng mái che, mái vẩy...



Lực lượng cảnh sát trật tự nhắc nhở các hộ kinh doanh buôn bán không lấn chiếm vỉa hè. Ảnh: Trọng Hải

Điển hình của tình trạng này phải nói tới các tuyến phố Lê Ngọc Hân, Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng). Phố Lê Ngọc Hân khá hẹp và thường xuyên rơi vào cảnh UTGT. Theo phản ánh của người dân khu vực, ngoài lý do đường hẹp, ùn tắc, còn do vỉa hè, lòng đường đã bị hàng quán chiếm dụng. Chẳng hạn, tại ngã ba Hòa Mã - Lê Ngọc Hân, các quán bia hơi, cơm bình dân thường xuyên bày bán hàng ăn, bàn ghế lên vỉa hè, cho khách để xe dưới lòng đường. Phố Thái Phiên nhiều năm nay cũng trong tình trạng... không còn vỉa hè bởi phần diện tích công cộng này đã bị các quán cà phê, hàng ăn chiếm dụng gần hết. Theo chủ trương của thành phố, vỉa hè là dành cho người đi bộ nhưng ở đoạn phố sầm uất bậc nhất này của quận Hai Bà Trưng, điều đó dường như không hiện hữu.

Tuyến phố Lê Ngọc Hân, Thái Phiên chỉ là những ví dụ điển hình cho việc lấn chiếm vỉa hè tại quận Hai Bà Trưng nói riêng và các quận trung tâm của Thủ đô nói chung. Để trị "căn bệnh" làm mất mỹ quan đô thị, cản trở giao thông này, lực lượng chức năng đã nhiều lần ra quân rầm rộ xử phạt các hộ kinh doanh, đối tượng vi phạm... nhưng ngay khi chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại bị chiếm dụng ngay lập tức.

Trong chương trình mục tiêu giảm UTGT giai đoạn 2012-2015, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý lòng đường, vỉa hè với các tiêu chí: không kinh doanh lấn chiếm hè phố, lòng đường; tổ chức các điểm trông giữ xe gọn gàng, không gây cản trở người đi bộ; không treo, đặt biển hiệu, lắp dựng mái che, mái vẩy, lều lán, ki ốt lấn chiếm lòng đường, hè phố... Thành phố cũng giao các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, nhất là các hành vi là nguyên nhân gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một số quận, phường cho biết, ngoài việc tuyên truyền, vận động, các địa phương đã yêu cầu các hộ gia đình, cơ quan "bám" mặt đường ký cam kết tuân thủ các quy định của Chính phủ, thành phố. Khâu kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được chính quyền địa phương thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn diễn ra khá phổ biến bởi ý thức của người dân vẫn còn hạn chế.

Tuy nhiên, nếu chỉ đổ lỗi cho ý thức của người dân là chưa thỏa đáng. Phải xác định rõ, các cấp chính quyền đã, đang chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý lòng đường, vỉa hè. Vừa qua, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU về việc "Tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy và giảm UTGT; quản lý lòng đường, vỉa hè và bán hàng rong trên địa bàn TP". Chỉ thị này nhấn mạnh, hệ thống chính trị các cấp, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác này; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Cấp ủy Đảng, chủ tịch UBND, trưởng công an các cấp phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông; mất mỹ quan đô thị tại địa bàn quản lý...

Với chỉ thị này, hy vọng phố phường Thủ đô sẽ sạch, đẹp và văn minh hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.