(HNM) - Nơi nào chính quyền để mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay chủ tịch UBND xã, huyện và tỉnh.
Đường ngang dân sinh thiếu thiết bị cảnh báo an toàn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tai nạn giao thông.Ảnh: Bùi Tuấn |
Đúng "bệnh" nhưng chưa đúng "thuốc"
Tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt, tự phát mở lối đi dân sinh ngang qua đường sắt diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, trở thành những “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông (TNGT). Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, Nghệ An là một trong những địa phương có điểm giao cắt, đường dân sinh ngang qua đường sắt nhiều nhất. Toàn tỉnh có 2 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 126km, nhưng tồn tại tới 180 đường ngang dân sinh. Ngoài ra, trong 283km đường sắt do Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh quản lý (đi qua các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) đang tồn tại 148 đường ngang và 285 lối đi dân sinh trái phép.
Tại huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), dọc theo đường sắt chạy song song quốc lộ 21A là các cửa hàng bán, dựng non bộ. Nhiều hộ ngang nhiên đặt những khối đá lớn chỉ cách đường ray 40-50cm. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã nhiều lần phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa, nhưng sau đó có hộ dân lại tái phạm.
Tại Hà Nội, công tác bảo đảm ATGT đường sắt cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, tình trạng mất cắp vật tư thiết bị vẫn xảy ra, hàng rào hộ lan đường sắt qua địa bàn xã Minh Cường, huyện Thường Tín vẫn bị cắt; người dân họp chợ tại khu vực đường Tân Xuân, phường Xuân Đỉnh, phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) trên tuyến đường sắt Bắc Hồng - Văn Điển...
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 5.726 đường ngang dân sinh và lối đi dân sinh, trong đó có 1.511 đường ngang hợp pháp. Trong số đường ngang hợp pháp này có 645 đường có người gác, rào chắn; 363 đường đã lắp cần chắn tự động; 507 đường bố trí biển báo cảnh báo. Phức tạp nhất nằm ở hơn 4.200 lối đi dân sinh. Theo quy định Luật Đường sắt, đây là đường ngang trái phép, không được cấp có thẩm quyền cấp, do vậy hầu hết không có cảnh báo. Trong khi đó, có tới 80% vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các đường ngang giao cắt với đường sắt. Thực tế đáng báo động này cho thấy, TNGT đường sắt ở đường ngang dân sinh vẫn diễn biến phức tạp và khó lường. Rõ ràng đã bắt đúng “bệnh”, nhưng “thuốc” để chữa thì chưa hiệu quả.
Thực hiện luật phải gắn với trách nhiệm
Một đường ngang qua đường sắt trên địa bàn huyện Thường Tín từng xảy ra vụ tai nạn làm 9 người tử vong.Ảnh: Thái Hiền |
Nhiều năm nay, mỗi khi đề cập đến vấn đề TNGT đường sắt, trở đi trở lại chỉ có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, quá nhiều đường ngang giao cắt với đường sắt, đặc biệt là đường ngang dân sinh tự phát. Thứ hai, ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu kém, dẫn tới nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Giải pháp "quen thuộc" đưa ra vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, tăng cường cảnh giới và từng bước xóa bỏ đường ngang dân sinh.
Giải pháp kể trên là đúng, nhưng để làm được cần nhiều thời gian, tốn kém nhiều chi phí. Cùng với đó cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Đường sắt với các địa phương. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nhiều địa phương vẫn còn coi nhẹ công tác bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, buông lỏng quản lý dẫn tới số lượng đường ngang dân sinh không những không giảm, mà còn tăng thêm. Đã không ít lần Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị cho xây dựng hệ thống đường gom để thu gọn toàn bộ lối đi dân sinh về vị trí đường ngang hợp pháp (ưu tiên thực hiện trước ở nơi tập trung khu dân cư, thành phố, đô thị), nhưng khó thực hiện bởi kinh phí lớn. Hiện vốn cho duy tu đường sắt hằng năm chỉ dao động 1.700-2.000 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế và cũng chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu.
Tại buổi thảo luận Luật Đường sắt (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 15-3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GT-VT Trương Quang Nghĩa khẳng định, với các tuyến đường sắt địa phương trực tiếp quản lý, khi có nhu cầu mở đường ngang đều được đáp ứng theo đúng quy định. Nhưng, việc mở đường ngang dân sinh vừa qua rất tùy tiện, trong khi chính quyền nhiều địa phương không nắm được. Luật cần phải quy định rõ trách nhiệm của địa phương trong việc này. Nếu không “luật hóa” trách nhiệm của địa phương thì sẽ không quản lý được.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Luật Đường sắt (sửa đổi) phải có quy định nghiêm khắc về vấn đề này nhằm giải quyết được vấn nạn đường ngang không phép. Luật đã cấm, nhưng nếu không có chế tài xử phạt nghiêm gắn với trách nhiệm thì sẽ không thực hiện được. Luật phải gắn với trách nhiệm, không chỉ của Bộ GT-VT hay ngành Đường sắt, mà còn trách nhiệm của địa phương nơi có đường sắt đi qua. Mở đường dân sinh trái phép, để xảy ra tai nạn tùy mức độ phải xử lý nghiêm, thậm chí nơi nào chính quyền để mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay chủ tịch UBND xã, huyện, tỉnh.
"Mỗi năm Tổng công ty phải trích hàng tỷ đồng để bồi dưỡng cho các nhân viên đường sắt tình nguyện gác tại 39 đường ngang, đường dân sinh. Thực hiện quy chế phối hợp giữa Bộ GT-VT và các tỉnh, thành phố, đã có 20 địa phương tổ chức cảnh giới 183 "điểm đen" từ nguồn ngân sách của tỉnh. Ngược lại, vẫn còn 13 tỉnh có đường sắt đi qua không tổ chức cảnh giới". Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Vũ Tá Tùng |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.