Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính quyền buông lỏng quản lý?

Ánh Dương - Thu Hằng| 25/06/2014 06:25

(HNM) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Quốc Oai đã xảy ra nhiều vụ sụt lún đất bất thường do khoan, khai thác nước ngầm ở một số xã, thị trấn: Quốc Oai, Đồng Quang, Ngọc Mỹ, Yên Sơn...

8h sáng ngày 21-6, gia đình ông Phí Văn Cần, thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết, thuê ông Đỗ Đắc Ba (ở thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ) khoan giếng khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt. Khi thực hiện mũi khoan thứ nhất tới độ sâu hơn 10m thì có hiện tượng mất nước, chủ giếng khoan dừng lại. Ngày 22-6, gia đình ông Cần tiếp tục thực hiện mũi khoan thứ hai, cách mũi khoan thứ nhất 2m. Khi khoan tới độ sâu khoảng 12m lại tiếp tục xuất hiện hiện tượng mất nước, kèm theo sụt lở đất sâu khoảng 4-5m, phía đáy hố có đường kính rộng khoảng 6m. Hố sụt giáp ngôi nhà cấp 4 của hộ gia đình liền kề là ông Tạ Quang Tuế. Phía dưới hố sụt lở sâu qua móng tường nhà ông Tuế khoảng 1m. Ngay sau khi vụ sụt lún xảy ra, gia đình ông Cần đã báo cáo với chính quyền địa phương để có biện pháp khắc phục.

Gia đình ông Cần đang khắc phục hậu quả sụt lún đất do khoan khai thác nước ngầm.


Ông Kiều Đình Minh, Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ sụt lún (ngày 22-6), chính quyền địa phương đã kịp thời đến kiểm tra, triển khai các biện pháp bảo vệ hiện trường như: Căng dây tại khu vực xảy ra sự cố; yêu cầu các hộ dân không đến gần; yêu cầu hộ ông Tuế di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm; cử cán bộ theo dõi 24/24h... Riêng về việc khoan giếng, gia đình ông Cần không báo cáo chính quyền địa phương, đơn vị thực hiện khoan giếng cũng không có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất, do đó UBND xã Liệp Tuyết đã lập biên bản, thu giữ máy khoan của ông Đỗ Đắc Ba.

Tại báo cáo số 41/BC-TNMT ngày 23-6-2014 của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai nêu rõ: "Qua quá trình kiểm tra, theo dõi diễn biến sụt lở đất cho thấy, đến 9h sáng ngày 23-6, tường hậu nhà ông Tuế bị nứt ngang khoảng 3m, vết nứt rộng khoảng 0,1m. Hiện trạng kiểm tra chiều ngày 23-6, hố sụt lở giếng đào cũ đã được lấp đầy. Nguyên nhân ban đầu của việc sụt lở đất được xác định có thể là do giếng đào cũ bị sụt, lở do tác động của hoạt động khoan giếng trong tầng đất sát miệng giếng đào cũ lở rời tạo ra hố sụt...". Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của PV Báo Hànộimới vào 11h30 ngày 24-6 cho thấy, khu vực xảy ra sụt lún tại nhà ông Cần không còn căng dây bảo vệ hiện trường, hố sụt lún đã được gia đình đổ cát lấp đầy. Ngoài ra, ông Cần còn cho biết thêm: Sự cố sụt lún đã tạo thành hố có chiều dài 6m, rộng hơn 2m và sâu khoảng 7-8m. Được phép của các cơ quan chức năng huyện Quốc Oai và chính quyền địa phương, ngày 22-6, ông Cần đã mua 16 xe cát đen (tổng số 80m3) lấp hố sụt lở.

Khẩn trương tìm nguyên nhân

Chiều 24-6, PV Báo Hànộimới đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Doãn Tâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai, được biết: Ngay sau khi sự việc xảy ra, 13h ngày 22-6, phòng phối hợp với Công an huyện, UBND xã Liệp Tuyết tiến hành kiểm tra hiện trường và yêu cầu xã thực hiện ngay một số biện pháp khắc phục. UBND huyện cũng đã có văn bản số 718/UBND-TNMT ngày 23-6-2014, chỉ đạo các cơ quan chức năng về việc xử lý, khắc phục sự cố sụt lở đất tại xã Liệp Tuyết nhằm ngăn chặn, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do sự cố gây ra, đồng thời báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường.

Tìm hiểu được biết những năm qua, trước tình trạng sụt lún đất do khoan giếng khai thác nước ngầm xảy ra ở nhiều xã, thị trấn, UBND huyện Quốc Oai đã có văn bản số 149/CV-UBND ngày 9-3-2011 về chấn chỉnh công tác khoan giếng, khai thác nước của hộ gia đình trên địa bàn huyện; văn bản số 178/UBND-TNMT ngày 13-3-2012 về việc chỉ đạo thực hiện quy định về cấp phép khai thác nước và xả nước thải vào lưu vực nguồn nước; văn bản số 731/UBND-TNMT ngày 22-8-2012 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước; công văn số 382/UBND-TNMT ngày 17-4-2014 về chỉ đạo kiểm soát hoạt động khoan giếng, khai thác, sử dụng nước ngầm tại hộ gia đình và tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện... Tuy nhiên, trên địa bàn xã Liệp Tuyết vẫn để xảy ra tình trạng các hộ dân tự ý khoan, khai thác nước ngầm mà chính quyền không biết? Ngay kể cả ông Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết cũng không nắm được trên địa bàn xã hiện có bao nhiêu hộ đã khoan giếng, khai thác nước ngầm. Trong khi UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các xã phải thực hiện đúng chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng/lần với Phòng TN&MT huyện về danh sách các giếng khoan thăm dò khai thác nước và cả những giếng khoan đã hư hỏng, không còn hoạt động; quản lý việc khai thác, sử dụng nước ngầm, nếu để xảy ra sự cố sụt lún do khoan khai thác nước ngầm trái phép gây ra, phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện...

Hơn nữa, tại công văn 382 của UBND huyện Quốc Oai cũng nêu rõ: "Yêu cầu UBND các xã, thị trấn tuyên truyền tới các cụm dân cư, hộ gia đình về các quy định trong việc khoan khai thác nước ngầm...; nghiêm cấm việc ký hợp đồng thi công khoan khai thác nước đối với đơn vị không có giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất...; UBND các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn theo quy định...

Rõ ràng, công tác quản lý nhà nước và kiểm soát hoạt động khoan giếng khai thác sử dụng nước ngầm tại hộ gia đình trên địa bàn liên tục được UBND huyện chỉ đạo sát sao bằng văn bản. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng các hộ gia đình tự ý khoan khai thác nước ngầm vẫn diễn ra nhiều, nhưng chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện, chỉ khi xảy ra sự cố sụt lún đất thì mới biết(?).

Trước tình trạng này, đề nghị UBND huyện Quốc Oai sớm kiểm tra, xem xét và có biện pháp đôn đốc UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm việc kiểm soát hoạt động khoan giếng, khai thác sử dụng nước ngầm, tránh để xảy ra tình trạng "mất bò mới lo làm chuồng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính quyền buông lỏng quản lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.