Ngày 29-5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chủ trì phiên họp khẩn cấp nhằm tìm cách bảo đảm an toàn cho học sinh, sau vụ tấn công bằng dao khiến 19 người thương vong...
Tham dự phiên họp có Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga, Chủ tịch Ủy ban An toàn quốc gia Junjo Yamamoto cùng Bộ trưởng Giáo dục Masahiko Shibayama.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ tấn công bằng dao ở Kawasaki, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản, ngày 28-5-2019. Ảnh: THX/TTXVN |
Tại phiên họp, Thủ tướng Abe nhấn mạnh, vụ tấn công bằng dao vừa qua là một vụ việc hết sức đau lòng, đồng thời bày tỏ sự phẫn nộ khi phần lớn nạn nhân là trẻ em nhỏ tuổi. Do đó, Thủ tướng Abe đã chỉ thị cho các quan chức dưới quyền nhanh chóng có các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh trên đường đến trường, cũng như phải tăng cường các biện pháp nắm bắt thông tin về những kẻ tình nghi.
Thủ tướng Nhật Bản cho rằng, cần nhanh chóng chia sẻ thông tin chi tiết vụ việc tới các bộ, ngành có liên quan, kiểm tra các điểm tập trung học sinh trong giờ đi học để đảm bảo an toàn cho các em. Ông Abe cũng chỉ thị lực lượng cảnh sát tăng cường tuần tra, giám sát và chia sẻ thông tin giữa cảnh sát và phía nhà trường về những đối tượng tình nghi.
Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp khẩn, Chánh Văn phòng Suga cho biết, lực lượng chức năng đang dốc sức điều tra nguyên nhân vụ việc, đồng thời khẳng định, chính phủ sẽ nhanh chóng có các biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh đi học hằng ngày.
Vụ tấn công bằng dao tại thành phố Kawasaki vào sáng 28-5 đã khiến 2 người thiệt mạng và 17 người bị thương. Hai nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công được xác định là em Hanako Kuribayashi, 11 tuổi, và ông Satoshi Oyama, 39 tuổi, một nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Thủ phạm được xác định là Ryuichi Iwasaki, 51 tuổi, đã tự sát sau đó. Sáng 29-5, cảnh sát đã khám xét nhà của thủ phạm.
Nhận định về vụ tấn công, Giáo sư Komiya Nobuo, một chuyên gia tội phạm học thuộc Đại học Rissho, cho rằng, đây là một hành vi tấn công khủng bố, vì đã vượt qua mức độ của một vụ phạm tội thông thường.
Giáo sư Nobuo cho rằng, các biện pháp phòng ngừa thông thường hiện nay, như giáo dục phòng, chống tội phạm cho trẻ em, hay tuần tra thông thường chỉ có hiệu quả với những trường hợp phạm tội thông thường như bắt cóc hay xâm phạm tình dục.
Tuy nhiên, những biện pháp này chưa đủ hiệu quả với những đối tượng sẵn sàng liều chết tấn công và cùng lúc gây thương vong cho nhiều người. Do vậy, Giáo sư Nobuo đề xuất cần áp dụng các công nghệ phòng, chống tội phạm tối tân như đang áp dụng trong phòng, chống khủng bố, như kỹ thuật chủ động phát hiện những đối tượng tình nghi thông qua phân tích hình ảnh camera.
Nhật Bản là nước có tỷ lệ tội phạm bạo lực thấp nhất trong số những quốc gia phát triển và các vụ tấn công nhằm vào đám đông rất hiếm khi xảy ra. Vụ việc khiến người dân Nhật Bản hết sức bàng hoàng và phẫn nộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.