Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ Mỹ lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ: Tác động tiêu cực tới nền kinh tế

Hoàng Linh| 04/05/2023 06:43

(HNM) - Một lần nữa Chính phủ Mỹ lại đối mặt nguy cơ vỡ nợ, trong bối cảnh Quốc hội nước này vẫn bế tắc trong việc lựa chọn giải pháp nâng trần nợ công. Thực trạng này khiến giới quan sát lo ngại về những tác động tiêu cực sâu rộng tới nền kinh tế xứ Cờ hoa cũng như an sinh xã hội.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo về việc triệu tập 4 quan chức hàng đầu của Quốc hội tới gặp mặt tại Nhà Trắng vào ngày 9-5 (giờ địa phương), gồm: Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell. Mục đích của cuộc gặp là để sớm tìm ra lời giải cho việc Chính phủ Mỹ có thể cạn ngân sách vào đầu tháng 6.

Trước đó, trong một bức thư gửi Quốc hội Mỹ, Bộ trưởng Tài chính nước này Janet Yellen cho biết khó có thể đáp ứng tất cả các nghĩa vụ thanh toán của Chính phủ Mỹ, đồng nghĩa nước này sẽ vỡ nợ, từ tháng 6. Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã điều chỉnh hạn cuối (thường được biết đến với tên gọi "Ngày X") từ ngày 5-6 lên ngày 1-6, sau khi tính đến các khoản thu thuế trong tháng 4. Bộ trưởng Janet Yellen cũng nhấn mạnh, Bộ Tài chính Mỹ ước tính sẽ không thể tiếp tục đáp ứng tài chính cho Chính phủ nếu Quốc hội Mỹ không nâng hoặc đình chỉ giới hạn nợ trước thời điểm này.

Việc hiện thực hóa mong muốn này đang vô cùng trắc trở, khi lưỡng viện Quốc hội Mỹ bất đồng nghiêm trọng về phương án xử lý nâng trần nợ công. Lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer thuộc đảng Dân chủ đã "dọn đường" cho một cuộc bỏ phiếu dự luật đình chỉ trần nợ công 31.400 tỷ USD trong hai năm mà không cần điều kiện. Tuy nhiên, các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện kiên quyết không bỏ phiếu cho biện pháp này, mà thay vào đó ủng hộ một dự luật được Hạ viện (do đảng Cộng hòa kiểm soát) thông qua vào tuần trước. Đề xuất này chấp nhận nâng giới hạn nợ công thêm 1.500 tỷ USD hoặc cho đến ngày 31-3-2024, tùy theo điều kiện nào đến trước. Đổi lại là khoản cắt giảm chi tiêu trị giá 4.500 tỷ USD trong 10 năm.

Những khoản cắt giảm nói trên được cho là sẽ ảnh hưởng lớn tới an sinh xã hội của nước Mỹ. Trước hết, điều chỉnh này sẽ tác động ngay tới phí chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, cũng như các biện pháp ưu đãi thuế đối với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng thân thiện với khí hậu khác. Bộ Giao thông - Vận tải Mỹ cũng cảnh báo việc cắt giảm ngân sách có thể buộc họ phải đóng cửa hàng trăm tháp kiểm soát không lưu trên toàn quốc. Đây cũng là lý do các đại biểu tại Thượng viện Mỹ - vốn do đảng Dân chủ kiểm soát - cũng như chính Tổng thống Biden khẳng định sẽ không chấp thuận giải pháp này.

Trong bối cảnh mâu thuẫn vẫn tiếp diễn, nền kinh tế Mỹ thực tế đã chạm ngưỡng giới hạn vay nợ 31.400 tỷ USD từ tháng 1-2023. Bộ Tài chính nước này đã phải áp dụng các biện pháp đặc biệt để có thể tiếp tục trang trải cho các hoạt động của Chính phủ. Do đó, giới quan sát cảnh báo, bế tắc trong nâng trần nợ công sẽ gây ra "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới. Tình huống vỡ nợ sẽ đe dọa những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đạt được từ sau đại dịch Covid-19, trong đó đáng ngại nhất là mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình tăng cao. Một số quan điểm cũng cho rằng, nếu trần nợ không được nâng lên, các doanh nghiệp Mỹ còn phải đối mặt với thị trường tín dụng xấu đi.

"Cuộc chiến" về trần nợ công của Mỹ sẽ kéo dài trong những ngày tới, gây nguy cơ rủi ro lớn bởi năm 2023 là giai đoạn đặc biệt khó khăn khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ nổ ra tại Mỹ. Nếu không ứng phó khéo léo, xứ Cờ hoa có thể sẽ đối mặt với một cơn lốc kinh tế, thổi bay nhiều thành tựu và tạo ra những hậu quả khó lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Mỹ lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ: Tác động tiêu cực tới nền kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.