(HNM) - Bất đồng xã hội ở Pháp xung quanh kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí do chính phủ nước này đưa ra đang có nguy cơ chuyển sang một giai đoạn mới gay gắt hơn khi các cuộc bãi công biểu tình của người lao động tiếp tục lan rộng trong nhiều ngành với quy mô ngày càng lớn.
Tình trạng căng thẳng không ngừng leo thang khi các nghiệp đoàn đồng loạt phản kháng đối với những cải cách do chính phủ đề xuất, trong đó có kế hoạch nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 60 lên 62 - một trong những dự án quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Sarkozy. Kết quả là, trong làn sóng đấu tranh lần thứ 4 tính từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng người tham gia biểu tình ngày 12-10 trên khắp nước Pháp đã lên tới con số kỷ lục trong nhiều thập niên qua - 3,5 triệu người - vượt xa mức 3 triệu được lập ở thời điểm cao trào của cuộc suy thoái năm trước, khi người dân phản đối chính sách kinh tế của chính phủ. Đặc biệt, tham gia biểu tình có cả học sinh 300 trường trung học trên toàn nước Pháp.
Học sinh tại Lyon (Pháp) xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí. |
Điều đáng lo ngại là phong trào phản đối có thể leo thang lên những mức độ nghiêm trọng hơn do vấp phải thái độ cứng rắn của Chính phủ Pháp - vốn coi đây là một trong những biện pháp quan trọng để làm vơi đi lỗ hổng về thâm hụt ngân sách, dự báo sẽ lên tới 42 tỷ euro vào năm 2018 và để tránh nguy cơ hệ thống trợ cấp hưu trí bị sụp đổ. Trong bài phát biểu trước Quốc hội vào ngày 12-10 vừa qua, Thủ tướng Pháp Francois Fillon không ngần ngại khẳng định, chính phủ chắc chắn sẽ theo đuổi kế hoạch cải cách đến cùng và sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ nào.
Trong khi đó, lực lượng biểu tình cho rằng, trút gánh nặng nợ nần lên vai lực lượng lao động là một bất công lớn và thật khó chấp nhận khi người dân phải tiết kiệm chi tiêu và về hưu muộn hơn trong khi các quan chức chính phủ tiêu xài xa xỉ. Thực ra, nếu không có "xì-căng-đan chi tiêu" trong nội các hồi mùa hè vừa qua, thì những người đứng đầu nước Pháp không hẳn đã rơi vào tình thế quá "khó ăn, khó nói" như hiện nay. Vì trong khi, nước Pháp đang sôi sục vì chính sách "thắt lưng buộc bụng" vô cùng khắt khe nhằm tránh rơi vào tình trạng như Hy Lạp, thì người đứng đầu Bộ Phát triển Alain Joyande lại chi tới 116.500 euro thuê một chiếc máy bay tư nhân đáp đến một hòn đảo thuộc vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp để dự một cuộc họp khẩn cấp về động đất ở Haiti. Còn Quốc vụ khanh phụ trách phát triển Vùng Paris Christian Blance thì "vung" những 12.000 euro tiền công quỹ cho "niềm đam mê" xì-gà Cuba.
Hiện tại, sau khi thông qua 2 điểm chính trong dự luật cải cách hưu trí do Chính phủ trình, Thượng viện đang tiếp tục tranh luận phần còn lại và dự định sẽ bỏ phiếu vào tuần tới. Do đó, nhiều khả năng số lượng người tham gia cuộc biểu tình do Liên minh Nghiệp đoàn Pháp tổ chức vào ngày mai (16-10) sẽ "bùng nổ" phá vỡ mọi kỷ lục. Thậm chí, nhiều ý kiến đã không ngần ngại dự báo, cuộc đình công và biểu tình lần này sẽ châm ngòi cho "ngọn lửa" xã hội bùng phát.
Rõ ràng, Tổng thống Nicolas Sarkozy đang phải đối mặt với chuỗi ngày đầy khó khăn. Ngoài nguy cơ gây bất ổn, làn sóng biểu tình có thể làm chệch hướng mọi kế hoạch phục hồi kinh tế của đất nước hình lục lăng do sản xuất và giao thông đình đốn. Bên cạnh đó, trong bối cảnh chỉ còn hai năm nữa sẽ diễn ra bầu cử tổng thống cơn sốt “xã hội” kéo dài sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới tham vọng chính trị của Tổng thống Sarkozy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.