Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ đã có những quyết định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp

Tiến Thành| 08/11/2021 12:04

(HNMO) - Sáng 8-11, bắt đầu đợt họp tập trung của kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm (2022-2024).

Các đại biểu tham dự phiên họp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự phiên thảo luận.

Cần tiếp tục quan tâm đến công tác phòng, chống dịch ở cơ sở

Thảo luận về công tác phòng, chống dịch Covid-19, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) đánh giá cao Chính phủ đã có quyết định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. “Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị còn khó khăn, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chủ động thực hiện chiến lược “ngoại giao vắc xin”. Đến nay, chúng ta đã có 195 triệu liều vắc xin có hợp đồng cung ứng. Đến hết ngày 7-11, đã tiêm được 90 triệu liều, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin đạt 84,13%. Đây là chiến lược cơ bản, lâu dài trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sức khỏe cho nhân dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang).

Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) cũng nêu ra 3 bài học rút ra từ 2 năm phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, đó là: Cuộc chiến chống dịch là hành trình đầy thách thức, khắc nghiệt và khó lường; phòng, chống dịch dù khắc nghiệt đến đâu, gây tổn thất đến mức nào, không làm cho đất nước bị tê liệt, chia rẽ mà còn làm chúng ta mạnh lên về tư duy nhận thức, tầm nhìn và ý chí chiến lược; nhân dân luôn là lực lượng chủ đạo phòng, chống dịch nói riêng và ứng phó với mọi thách thức trong tương lai.

Ngoài những kết quả đã đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch. Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, qua đại dịch Covid-19, phải nhìn thẳng vào sự thật là cần xem xét lại về thực trạng y tế cơ sở, hệ thống y tế cơ sở. Về vấn đề hệ thống điều trị, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cũng cho rằng, đây cũng là phép thử để nhìn lại năng lực điều trị thực sự của chúng ta như thế nào.

Toàn cảnh phiên họp sáng 8-11.

Nêu một số tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch, gây bức xúc cho người dân, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho rằng, thực hiện bất cứ việc gì cũng cần tạo sự đồng thuận của người dân, nếu người dân chưa hiểu thì cần giải thích, vận động, tuyên truyền, thuyết phục. Trong những tình thế cấp thiết, khi vi phạm đến mức nghiêm trọng hơn thì đã có biện pháp hành chính, thậm chí xử lý hình sự. “Chính quyền cơ sở cần tuyệt đối tránh việc hành xử theo cảm tính, bất chấp quy định của pháp luật”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định).

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng đề nghị cần khẩn trương hoàn thiện chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó cần thực hiện 6 mục tiêu lớn, gồm 1 tăng, 2 giảm, 3 bảo đảm. Cụ thể: Tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin; giảm tỷ lệ người mắc Covid-19; giảm tỷ lệ tử vong vì Covid-19; bảo đảm phục hồi kinh tế - xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; bảo đảm xử lý hiệu quả một số vấn đề mới phát sinh như: Sức khỏe tinh thần của người dân, tình trạng thiếu lương thực ở một bộ phận người dân nghèo, tình trạng gia tăng người vô gia cư tại một số thành phố lớn…

Quan tâm đến các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp

Về công tác phát triển, phục hồi kinh tế thời gian tới, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, phòng, chống dịch và phát triển kinh tế là hai mặt trận song hành, khi phục hồi, phát triển kinh tế phụ thuộc vào kết quả phòng, chống dịch và nếu không có nền tảng kinh tế thì không có lực để chiến đấu với dịch bệnh.

Bên cạnh đánh giá Quốc hội, Chính phủ đã có những giải pháp kịp thời ban hành các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng cần khẩn trương giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành. Những gói này được ví như nguồn “oxy” cho doanh nghiệp đang “hấp hối”. Đại biểu cho rằng, cần tối giản, rút gọn các thủ tục rườm rà, nhanh chóng giải ngân, để doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận. Đại biểu cũng đề xuất nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn).

Cho rằng những khó khăn của nền kinh tế trong đại dịch đã ngấm ngày càng sâu vào từng người lao động, từng doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục có những giải pháp, chính sách đặc biệt, đặc thù hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra việc triển khai các gói hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, đúng tiến độ. “Bởi nếu triển khai chậm thì sẽ có nhiều doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, ứng với đó thì nhiều việc làm sẽ mất đi”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị 5 giải pháp trọng tâm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế: Ưu tiên củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung rà soát, sửa đổi thể chế; đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý, sản xuất và lưu thông; cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công; sớm cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội).

Từ việc đứt gãy chuỗi sản xuất và dòng người hồi hương khỏi các thành phố lớn trong đại dịch, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cho rằng cần xây dựng thêm nhiều trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng khác nhau để tạo ra các cực tăng trưởng mới của nền kinh tế để “chia lửa” cho các vùng kinh tế lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ… “Cần lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố khác để nền kinh tế đạt được sự cân bằng, an toàn, hiệu quả”, đại biểu nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận buổi sáng (8-11) đã có 32 đại biểu phát biểu về các vấn đề liên quan đến y tế, lao động, xã hội; do đó, tại phiên thảo luận buổi chiều, chủ tọa kỳ họp sẽ mời Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ đã có những quyết định chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.