(HNM) - Qua các đợt thanh tra, kiểm tra về quản lý thuê bao di động, không ít thuê bao đăng ký thông tin cá nhân trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nhưng người sử dụng lại không chính chủ. Đó là sinh viên, lao động tự do… được thuê đứng tên đăng ký hàng loạt sim, rồi đem bán cho người khác sử dụng. Hành vi này là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi rác, lừa đảo, gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, đối tượng xấu thuê lao động tự do, người dân ở nông thôn… thiếu hiểu biết pháp luật, đứng tên mở tài khoản ngân hàng với giá khoảng 2-3 triệu đồng và dùng chính tài khoản đó nhận tiền của người bị “mắc bẫy”…
Để ngăn chặn vi phạm, trong quyết định thanh tra diện rộng về việc quản lý thông tin thuê bao cuối tháng 3-2023, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định sẽ xử lý nghiêm những người sử dụng sim không chính chủ, gồm cả đối tượng thuê người đứng tên đăng ký hàng loạt sim rồi đem bán. Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiến nghị ngành ngân hàng có giải pháp kiểm tra, ngăn chặn những tài khoản không chính chủ bằng cách đồng bộ thông tin tài khoản với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện hơn 1 triệu thuê bao chưa chuẩn hóa đã bị các nhà mạng khóa 2 chiều. Đây là một hướng đi quan trọng giúp ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng.
Việc đăng ký thông tin cá nhân chính xác để sử dụng sim thuê bao di động, tài khoản ngân hàng là quyền lợi và nghĩa vụ của người dân, giúp giao dịch trên môi trường số an toàn. Song bên cạnh trách nhiệm của từng cá nhân, rất cần cơ quan quản lý rà soát, kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng “chính chủ” mà không chính chủ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.