Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân

LANHUONG| 21/05/2007 10:44

(HNMĐT) - “Em ơi em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương...”. Những giai điệu mượt mà cùng giọng hát tình tứ, tha thiết, hoà với tiếng đàn nhị, đàn bầu, tiếng sáo nỉ non, réo rắt cất lên từ một chiếu xẩm đặt trước cổng chợ Đồng Xuân như mời gọi, khiến du khách không thể không dừng bước...

(HNMĐT) - “Em ơi em ở lại nhà/Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương...”. Những giai điệu mượt mà cùng giọng hát tình tứ, tha thiết, hoà với tiếng đàn nhị, đàn bầu, tiếng sáo nỉ non, réo rắt cất lên từ một chiếu xẩm đặt trước cổng chợ Đồng Xuân như mời gọi, khiến du khách không thể không dừng bước...

Gọi là chiếu xẩm chứ thực ra là một sân khấu xẩm khá hoành tráng, đặt ở trước cửa chợ Đổng Xuân, một điểm hấp dẫn trong tuyến phố chợ đêm Hàng Đào- Đồng Xuân, được mang tên: Chương trình nghệ thuật dân gian- Hà Nội 36 phố phường. Chiếu xẩm diễn ra đều đặn vào tối thứ 7 hàng tuần, do các nghệ sỹ thuộc Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam nghiên cứu, tổ chức và biểu diễn.

Những làn điệu xẩm dí dỏm, hóm hỉnh hay da diết, nỉ non với lời ca mộc mạc, dân dã, do các nghệ sỹ mặc toàn quần áo nâu biểu diễn ở phố chợ, lề đường có sức quyến rũ lạ kỳ! Khán giả xem rất đông, cả người Hà Nội, người ngoại tỉnh, du khách nước ngoài. Những bậc trung niên, cao tuổi đến đây để hoài niệm về một thời đã qua, đương nhiên rồi! Nhưng thật bất ngờ, có nhiều nam thanh, nữ tú, những khán giả thế hệ @ cũng say sưa lắng nghe, đồng cảm với những làn điệu xẩm, xưa kia vốn chỉ tồn tại ở các chợ quê hoặc ga Hàng Cỏ, bến xe Long Biên (còn gọi là bến Nứa), trên những toa tàu điện ở Hà Nội... Nghe bài xẩm chợ Vui nhất có chợ Đồng Xuân, chắc hẳn ai cũng có cảm giác được trở về với cuộc sống Hà thành những năm đầu thế kỷ trước: “Hà Nội như động tiên sa/Sáu giờ máy thắp đèn xa đèn gần/Vui nhất có chợ Đồng Xuân/Mùa nào thức ấy xa gần đến mua...”. Dường như không ai để ý đến cái giá lạnh của mùa đông, người xem chăm chú lắng nghe, các nghệ sỹ say sưa biểu diễn. Có lúc không khí như trùng xuống khi bài xẩm kể về nỗi khổ của những người nghèo khó và những cảnh đời ngang trái, nhưng lúc lại như vỡ tung ra bởi những trận cười sảng khoái trước những câu xẩm hóm hỉnh, châm biếm, đả kích sâu cay những thói hư tật xấu...

Theo nhạc sỹ Thao Giang, Chủ nhiệm Chương trình nghệ thuật dân gian- Hà Nội 36 phố phường, xẩm xuất hiện ở Hà Nội khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, rất phát triển ở Hà Nội. Những người dân ở các miền quê ra Hà Nội kiếm ăn (trong đó có nhiều người khiếm thị), đã chuyển hoá những điệu xẩm xoan, xẩm huê tình nhà quê thành những điệu xẩm phù hợp thẩm âm, thẩm mỹ của người Hà Nội. Họ thường hát ở các nhà ga, bến tàu, cổng chợ... để kiếm sống. Trong số hơn 20 điệu xẩm đang được các nghệ sỹ trình diễn ở chiếu xẩm chợ Đồng Xuân, chỉ có xẩm tàu điện là có riêng ở Hà Nội.

Có một thời gian dài, xẩm bị rẻ rúng, không được khuyến khích phát triển, tưởng như đã thất truyền. Các nhạc sỹ ở Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam cảm thấy xót xa khi một loại hình dân gian độc đáo, nghệ thuật tinh tế và nội dung phong phú đang dần mất đi. Và thế là họ đã dốc lòng khôi phục nghệ thuật hát xẩm. Bất kỳ một bộ môn nghệ thuật nào sống được hay không phụ thuộc ở khán giả, vì thế trước hết phải mang nó đến với khán giả. Và, chiếu xẩm đã được đặt giữa lòng phố cổ Hà Nội, nơi tập trung đông người.

Tham gia chiếu xẩm đặc biệt này ngoài một số nghệ sỹ tên tuổi như: Thanh Ngoan, Xuân Hoạch, Đoàn Thanh Bình, các thành viên còn lại là nhà nghiên cứu âm nhạc truyền thống như: GS-TS Phạm Minh Khang và các nhạc sỹ: Thao Giang, Hạnh Nhân, Văn Ty, Quang Long, Khương Cường, Mai Tuyết Hoa, Tự Cường. Các nghệ sỹ đều rất chuyên nghiệp, hát hay đàn giỏi.

Tuy nhiên, so với trước, hát xẩm bây giờ đã khác ít nhiều về phong cách. Các cụ ngày xưa hát xẩm chỉ có một cây đàn nhị thêm vài ba nhạc cụ gõ, nhưng bây giờ được đệm bằng cả một dàn nhạc đầy đủ nhị, hồ, bầu, tiêu, sáo và bộ gõ. Giai điệu cũng được các nghệ sĩ nâng lên tầm cao mới, vẫn giữ được nét cổ nhưng bỏ bớt những đoạn ê, a và hoà âm “dầy” hơn, song vẫn theo đúng nguyên tắc của xẩm, để phù hợp với “gu” thưởng thức hiện nay. Lời ca cũng được “thời sự hoá” và không còn đơn thuần là một loại hình hát rong nữa... Nhạc sỹ trẻ Nguyễn Quang Long, cũng chính là MC của chiếu xẩm, cho biết: “Chúng tôi rất may mắn bởi nhiều loại hình nghệ thuật khác đã đến biểu diễn ở chợ Đồng Xuân đều phải ra đi vì không có khán giả. Đưa được xẩm trở lại với cuộc sống, được khán giả đón nhận và trân trọng, như vậy là thành công rồi”.

Có lẽ nhờ những thành công đó nên tất cả các chương trình biểu diễn ở chiếu xẩm chợ Đồng Xuân đã được Bộ VHTT chọn đưa vào chương trình nghệ thuật Tinh hoa Hà Nội, nằm trong Triển lãm Hình ảnh APEC và Di sản văn hoá Việt Nam và được xem là một trong những loại hình nghệ thuật đặc sắc trong kho tàng âm nhạc dân gian Việt Nam để giới thiệu với với đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế tham dự Hội nghị APEC lần thứ 14. Cũng nằm trong nỗ lực phục hồi nghệ thuật hát xẩm, các nhạc sỹ còn phát hành một số đĩa xẩm như: CD Xẩm Hà Nội, VCD Hà Nội 36phố phường và sắp tới là VCD Hát Xẩm Việt Nam. Đây chính là bộ “sưu tập quý” về những làn điệu xẩm chợ, tàu điện được sưu tầm, lưu giữ mấy chục năm nay.

Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân đã khôi phục được một nét văn hoá của Hà Nội xưa, rất đáng trân trọng.

Phương Thanh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiếu xẩm chợ Đồng Xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.