(HNM) - Không thể phủ nhận vai trò của việc sử dụng tia xạ trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh, song các nhà khoa học cảnh báo, nếu không kiểm soát được thiết bị, nhân lực vận hành thì đây có thể là nguồn xạ nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Quá nhiều lỗ hổng
Một cuộc khảo sát sơ bộ của Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt gần đây cho thấy, trong 157 máy X-quang được kiểm tra có gần 40% máy không đạt chất lượng yêu cầu. Khoảng 50% máy ở mức trung bình, khá và chỉ có 7% - 10% đạt mức tốt. Cuộc kiểm tra này cũng phát hiện có nhiều máy X-quang quá cũ, được sản xuất từ những năm 1970 - 1980, có khả năng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe nhân viên sử dụng thiết bị, bệnh nhân và những người xung quanh nơi đặt máy.
Máy chụp X-quang đạt các tiêu chuẩn kĩ thuật mới bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và cộng đồng.
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân - VARANS (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, cả nước hiện có khoảng 1.600 cơ sở bức xạ với hơn 2.200 máy phát tia X và hơn 1.200 nguồn phóng xạ. Trong số này, chỉ 375 cơ sở được cấp phép an toàn bức xạ (ATBX), chiếm khoảng 27%. Mặc dù số cơ sở được cấp phép tăng nhanh trong vài năm gần đây nhưng tình trạng sử dụng nguồn phóng xạ chưa khai báo vẫn phổ biến. Điều này có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế), hiện nay các chỉ tiêu ATBX của các phòng chụp X-quang như diện tích phòng đặt máy, tường trát barit, cửa chắn chì, buồng điều khiển, kính chì ô quan sát, chất lượng máy cũng như phương tiện phòng hộ cá nhân từ tuyến y tế trung ương đến tuyến quận, huyện đều không đạt yêu cầu. Thực tế cho thấy, có tới 75% số phòng chụp và phương tiện phòng hộ cá nhân không bảo đảm theo quy định. 70% cửa ra vào và cửa sổ của phòng chiếu chụp X-quang chưa được áp dụng biện pháp chắn tia X. Tình trạng nhiễm xạ khu vực ngoài phòng chiếu chụp X-quang ở nhiều nơi có liều suất cao và vượt quá mức cho phép nhiều lần. Đó là khu vực cửa ra vào và cửa sổ, có vị trí cao gấp 40 lần và khi chiếu thẳng gấp 500 lần cho phép. Tại khu vực làm việc của phòng X-quang, có nhiều nơi phông bức xạ vượt mức cho phép, thậm chí có nơi bệnh nhân còn phải ngồi chờ trong phòng máy với điều kiện đó.
Đáng lưu ý là qua các đợt thanh tra, kiểm tra, đa phần thiết bị X-quang đã quá cũ; hồ sơ về xuất xứ, kỹ thuật của thiết bị đã thất lạc, không có đủ thông tin cho việc cấp phép. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở bức xạ khá chật hẹp (thường rơi vào các đơn vị khám chữa bệnh tư nhân), không đạt điều kiện về ATBX theo quy định. Nguy hiểm hơn, hầu hết các phòng chụp X-quang đều nằm ở khu vực đông dân cư, thậm chí nằm trong nhà dân. Ngoài ra, tình trạng khá phổ biến là các nhân viên tại những cơ sở chiếu xạ y tế chỉ được đào tạo về kỹ thuật vận hành thiết bị chiếu xạ mà không được trang bị kiến thức về ATBX do hầu hết vẫn là "tay ngang".
Ẩn họa rình rập
Mặc dù các thiết bị chiếu xạ dùng trong ngành y là loại thiết bị bức xạ mang tính nguy hiểm thấp, mức độ ảnh hưởng có tính cục bộ, nhất thời, dễ dàng quản lý và khắc phục nếu xảy ra sự cố, nhưng như vậy không có nghĩa là liều suất bức xạ từ các phòng X-quang, xạ trị không gây nguy hiểm.
Theo TS Trần Ứng (nguyên cán bộ VARANS), sử dụng các thiết bị X-quang lạc hậu, không được kiểm định thường xuyên sẽ dẫn tới mức độ chiếu xạ vào cơ thể bệnh nhân vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Khi bị nhiễm vào cơ thể, bức xạ sẽ I-on hóa các phân tử sinh học, làm hư hỏng các tế bào, dẫn tới làm tổn thương các chức năng và gây ra bệnh lý. Tùy thuộc vào liều lượng hấp thụ, con người có thể mắc nhiều bệnh như máu trắng, ban đỏ da, đường ruột, đục thủy tinh thể, thần kinh…
Đáng lưu ý là đến thời điểm này, Nhà nước cũng chưa có quy định về liều suất bức xạ cho bệnh nhân nên điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn cũng như đạo đức nghề nghiệp của bác sĩ. Hơn nữa, dù máy X-quang thế hệ mới hay cũ thì cũng cần phải thiết kế phòng chụp bảo đảm, không để tia phóng xạ phát tán ra môi trường. Đối với máy X-quang thế hệ cũ, cần khắc phục để giảm bớt lượng tia thứ cấp không mong muốn bằng cách thay bóng đèn và gắn thêm bộ lưới lọc để giảm tác hại cho người bệnh.
Các thiết bị X-quang, chiếu xạ không thể thiếu được trong công tác khám chữa bệnh, nhưng những cơ sở y tế phải có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật để bảo đảm liều suất bức xạ trong che chắn của phòng X-quang đối với nhân viên bức xạ, cộng đồng dân cư và bệnh nhân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp để có biện pháp quản lý, kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các cơ sở này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.