Chiết khấu quá cao, khuyến mãi tặng cả xe đời mới... trong kinh doanh thức ăn chăn nuôi là một trong các lý do khiến giá thành thức ăn chăn nuôi tại VN luôn cao hơn các nước.
Một báo cáo thanh tra liên ngành của Bộ NN-PTNT mới đây cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có hiện tượng chiết khấu hoa hồng cao, đẩy giá thành sản phẩm lên gây khó cho ngành chăn nuôi. Cụ thể, theo báo cáo có 7 DN FDI chi hoa hồng từ 20 - 30%. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của chúng tôi, mức chiết khấu 30% chưa phải cao nhất và thực tế thị trường TACN đang được “điều khiển” bởi những ông lớn FDI trong ngành với chiêu đẩy mạnh chiết khấu, khuyến mãi ở mức “sộp” nhất có thể.
Giá thức ăn chăn nuôi cao khiến ngành chăn nuôi VN khó cạnh tranh với các nước |
Đủ chiêu trò
Chủ một đại lý phân phối TACN gần 10 năm nay tại Biên Hòa (Đồng Nai), bà N.T.T, Giám đốc Công ty H.C, nói thẳng: “30% chưa phải là mức cao nhất, nếu tính thêm các mức chi khuyến mãi ngoài chiết khấu. Tùy DN lớn nhỏ mà có mức chiết khấu khác nhau. Có sản phẩm 20%, 30%, 35%, 38%, thậm chí lên đến 40%, tùy hàng đó bán chạy hay không. Hàng mới chưa có khách hay hàng cạnh tranh mạnh với các công ty khác thường DN đẩy chiết khấu cao để đại lý ưu ái bán hàng nhanh hơn. Xu hướng người mua thích khuyến mãi, nên nhiều chi phí không hẳn nằm trong tỷ lệ phần trăm “tiền tươi thóc thật” ngay trên sản phẩm mà bằng chiêu khuyến mãi. Chẳng hạn, một sản phẩm trị giá 10 đồng, mình chỉ giảm trên phiếu thu 10% là 1 đồng, nhưng hàng giao lại có trị giá 13 đồng. Như vậy, tổng cộng trị giá sản phẩm là 14 đồng mà khách chỉ trả 10 đồng”.
Ông H.V.H, chủ đại lý TACN tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), cũng tiết lộ: “Bảng chiết khấu tại các đại lý là vô chừng. Cùng công ty, các sản phẩm thức ăn khác mã số, nhưng cùng thông số độ đạm thì giá bằng nhau. Tuy nhiên, muốn cạnh tranh nhiều công ty tung khuyến mãi mạnh, lãi ít một chút nhưng các đại lý đổ xô lấy hàng, trong thời gian ngắn đẩy hàng ngàn tấn vẫn lãi hơn giữ giá mà bán chậm vì bị cạnh tranh với các thương hiệu cùng loại”. Theo ông H.V.H, ngoài chính sách “cứng” là chiết khấu, đại lý bán hàng đạt chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu còn được thưởng thêm 1 - 2% trên doanh số bán hàng. Năm 2015, riêng khoản thưởng từ doanh số, đại lý của ông được hơn 1 tỉ đồng. “Năm vừa rồi khó khăn, chứ trước đây một tháng bán vài trăm tấn được thưởng vài chục tấn, 6 tháng đạt sản lượng đã được thưởng chiếc xe 4 chỗ rồi”, ông H. nói.
Cần khống chế giá trần
Theo ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, so với các thị trường lân cận như Indonesia, Thái Lan... giá TACN tại VN cao hơn khoảng 15 - 20%. Trước đây, Bộ Công thương lý giải một trong những lý do khiến giá thành TACN của VN cao hơn là phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu ngoại nhập, đặc biệt những nguyên liệu giàu năng lượng trong sản phẩm như ngô, bột cá, bột xương đều nhập khẩu đến hơn 70%.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong ngành chăn nuôi, khâu kiểm soát giá, khống chế lợi nhuận của VN còn yếu. Khẳng định 30% là mức chiết khấu quá cao trong tình hình ngành chăn nuôi đang đối diện nhiều khó khăn cả từ trong và ngoài nước, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội TACN, nhận định: “Việc chi hoa hồng cao đối với các ông lớn trong ngành chăn nuôi thực tế đã đẩy giá thành sản phẩm lên cao hơn là điều tất nhiên. Tuy nhiên, vấn đề quản lý về giá TACN tại VN vẫn chưa làm được như nhiều nước trong khu vực. Chẳng hạn, tại Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc đều có chính sách quản lý khống chế mức lợi nhuận với mặt hàng này. Cách tốt nhất là áp giá trần lên sản phẩm, khống chế tỷ lệ lợi nhuận hoặc nguyên liệu đầu vào”.
Ông Lịch cho biết tại Thái Lan, lợi nhuận đối với mặt hàng này không được phép cao hơn 5%. Ở Trung Quốc, giá trần khống chế từ nguyên liệu đầu vào, tham khảo giá thế giới và mức chênh lệch không được quá 5% giá thế giới. “Các nước đều có chính sách áp giá trần khá tốt, nhưng VN chưa có trong khi chi phí thức ăn chiếm đến 70 - 75% giá thành sản phẩm. Vấn đề này ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi trong nước”, ông Lịch nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia tư vấn chiến lược, ông Robert Trần, nhận định: “Ngành TACN đang để các nhà đầu tư ngoại chi phối đã gây thiệt hại lớn không chỉ đối với người tiêu dùng mà ảnh hưởng đến cả ngành chăn nuôi VN. Giải pháp “kìm cương”, hạn chế tối đa tình trạng chi phối, gây lũng đoạn trong thị trường này là điều cần thiết. Vai trò của cơ quan quản lý giá rất quan trọng trong vấn đề này”.
Kiến nghị xem xét việc chuyển giá Liên quan đến thông tin chi hoa hồng khủng cho các đại lý, trong cuộc họp báo của Bộ NN-PTNT đầu năm nay, ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra kỹ hơn việc chiết khấu quá cao gây ảnh hưởng lớn đến người chăn nuôi; kiến nghị Chính phủ xem xét có hay không việc chuyển giá đối với các DN FDI. Số liệu từ Hiệp hội TACN VN cập nhật đến giữa năm 2015 cho thấy, số nhà máy TACN của DN FDI chỉ chiếm 59/239 nhà máy chế biến TACN của cả nước. Song thực tế, 59 nhà máy này đang nắm giữ hơn 65% thị trường TACN. Trong 7 DN FDI bị thanh tra vừa qua, có hai ông lớn là Cargill và CP, chiếm thị phần lớn trên thị trường thức ăn VN. Trong một báo cáo đầu năm 2015, Bộ Công thương từng nhận định, thị trường TACN đang bị điều khiển bởi một số DN FDI, qua việc liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước... dẫn đến có thể gây tổng thiệt hại xã hội hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.