(HNMO) - Ngày 7-12, Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức hội thảo khoa học Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không.
Các đại biểu dự hội thảo. |
Tham luận tại hội thảo, các tướng lĩnh, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học đã khẳng định và làm sáng tỏ tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng phòng không nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc - hậu phương lớn của đất nước. Tập trung làm rõ bối cảnh chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ khi quyết định tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược và Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận trên miền Bắc Việt Nam.
Nhiều đại biểu đã phân tích và làm rõ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu đối với Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc chuẩn bị phương án, kế hoạch tác chiến phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng phụ cận sẵn sàng đánh trả các cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ; đánh giá vai trò của tinh thần quyết tâm thực hiện kế hoạch tác chiến của các cấp chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nói cung và Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng.
Nhiều tham luận đã tập trung làm sáng tỏ và sâu sắc thêm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là chiến thắng của ý chí quật cường, lòng dũng cảm, bản lĩnh trí tuệ và tài năng quân sự; của trí thông minh, sáng tạo, dám đánh và quyết thắng tạo nên sức mạnh Việt Nam trên mặt trận đối không.
Các tham luận khẳng định kết quả và ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; phân tích những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thắng lợi; rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về chỉ đạo chiến lược, thực hiện tư tưởng tác chiến, nghệ thuật tiến hành chiến dịch phòng không; về sự hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân và với các lực lượng phòng không ba thứ quân, với cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, có hiệu quả của các tầng lớp nhân dân trong chiến đấu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo. |
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ thắng lợi chiến dịch phòng không tháng 12-1972, gợi mở những định hướng xây dựng, phát triển lực lượng phòng không không quân trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.
Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn quan trọng để Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp nghiên cứu, vận dụng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về quân sự, quốc phòng và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhằm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, phát huy sức mạnh Việt Nam lên một tầm cao mới.
Tại hội thảo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng tham luận với chủ đề: “Thành ủy Hà Nội tập trung lãnh đạo quân và dân Thủ đô chủ động, tích cực chuẩn bị chống địch tập kích đường không - một số bài học kinh nghiệm”.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã phân tích tư tưởng chỉ đạo của Thành ủy là trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, tuyệt đối nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chủ động, tích cực chuẩn bị thật tốt về tinh thần, lực lượng, hậu cần để chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đánh thắng kẻ thù.
Ngày 27-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy ra Nghị quyết về công tác phòng không, sơ tán chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, yêu cầu Ủy ban hành chính và Hội đồng phòng không các cấp vận động, đôn đốc khoảng 30 vạn người sơ tán ra khỏi nội thành. Tiếp đó, trong các ngày 2-12 và ngày 19-12, Ban Thường vụ họp quyết định chủ trương thực hiện sơ tán cấp tốc ngay người già, trẻ em, những người dân không trực tiếp chiến đấu và những cơ sở công nghiệp ra khỏi nội thành. Đồng thời, triển khai kế hoạch phòng tránh, đào hầm trú ẩn, bảo đảm sản xuất, cung ứng đủ điện, nước và các nhu cầu thiết yếu khi bị địch đánh phá…
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ cuối tháng 4 đến tháng 12-1972), Hà Nội đã đưa được gần 50 vạn người dân và 1.200 cơ quan, xí nghiệp, trường học, bệnh viện sơ tán ra khỏi nội thành, duy trì tốt chế độ trực ban, trực chiến, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và dũng cảm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thủ đô Hà Nội.
Hệ thống hầm trú ẩn, công sự chiến đấu và hào giao thông được xây dựng và phát triển mạnh trong các tuyến phố nội thành, với tổng số 45 ngàn km hào giao thông, 5,6 ngàn hầm trú ẩn, hầm chiến đấu tập thể và trên 63 vạn hố cá nhân, đủ chỗ trú ẩn, trực tiếp phục vụ chiến đấu và chiến đấu cho 90 vạn người…
Sau 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, quân dân Thủ đô Hà Nội, phối hợp chặt chẽ với thành phố Hải Phòng và một số tỉnh phụ cận đã làm nên một trận “Điện Biên Phủ trên không” vĩ đại, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không với quy mô lớn nhất, tàn bạo chưa từng có trong lịch sử chiến tranh của đế quốc Mỹ.
Trong 12 ngày đêm, chúng ta đã bắn rơi 81 máy bay hiện đại của Mỹ, trong đó có 34 máy bay B.52, 5 chiếc F.111 bị tiêu diệt, bắt sống 43 giặc lái, trong đó có 33 giặc lái B.52. Hòa trong chiến công chung đó, quân và dân Thủ đô đã góp phần xuất sắc nhất: Bắn rơi 30 máy bay Mỹ, trong đó có 23 chiếc B.52 và 2 chiếc F.111.
Tổng thuật tại hội thảo, Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tư Lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân nhấn mạnh: "Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một mốc son chói lọi trên bước đường trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, Quân chủng Phòng không - Không quân nói riêng. Những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng vẫn còn nguyên giá trị để xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; không ngừng nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh tổng hợp của bộ đội Phòng không - Không quân, phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, cùng với quân và dân cả nước kiên quyết bảo vệ vững chắc bầu trời, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường. Các loại hình chiến tranh đã có nhiều phát triển, bao gồm cả loại hình truyền thống và phi truyền thống. Phương thức tiến hành chiến tranh nói chung, tiến công hỏa lực đường không nói riêng đã phát triển khác trước. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây trên thế giới cho thấy, đã xuất hiện một số loại hình chiến tranh mới như: Phong tỏa đường không, thiết lập vùng cấm bay, chiến tranh ủy nhiệm, chiến tranh không gian mạng...
Trung tướng, TS Lê Huy Vịnh cho biết: "Cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 đang phát triển rất mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến các phương tiện, vũ khí. Vì vậy, lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng phòng không, không quân nói riêng sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về tình hình nhiệm vụ Quân đội về đối tượng, đối tác. Toàn quân chủng sẽ thường xuyên duy trì nghiêm nề nếp công tác, tham mưu tác chiến, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, ra sức xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối không, tổ chức tốt thế trận và lực lượng phòng không, không quân một cách cân đối trên cơ sở nòng cốt là bộ đội Phòng không - Không quân, tạo thành một hệ thống phòng không thống nhất trên từng khu vực và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.