(HNM) - Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh, Ba Vì (Hà Nội), một nhóm cựu binh thuộc Đoàn 559 quây quần quanh một ông già nhỏ bé, tóc bạc trắng đang say sưa với từng giai điệu của bài hát viết về những đồng đội Đường Trường Sơn năm xưa.
Ông Nguyễn Ngọc Kim (người bên phải) đang cùng đồng đội hát vang bài ca Trường Sơn năm xưa, do ông sáng tác.
Ảnh: Minh Nguyệt
Ông là Nguyễn Ngọc Kim, 71 tuổi, nguyên Chính trị viên Đại đội 3, Tiểu đoàn 990, Binh đoàn 559 Anh hùng - một ''nghệ sỹ vườn, văn công xóm'' như bà con xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì thường gọi.
Theo gót cha anh
Sinh năm 1938 tại số 4 phố Hàng Đào, Hà Nội, tuy không được học về nhạc lý, nhưng chàng trai Nguyễn Ngọc Kim sớm có năng khiếu về âm nhạc và thường là nòng cốt trong các phong trào văn nghệ tại địa phương.
Tháng 7-1958, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Kim rời Hà Nội tham gia lực lượng TNXP lên xây dựng vùng Tây Bắc, rồi trở về công tác tại Nhà máy Xi măng Sài Sơn. Tháng 2-1965, Nguyễn Ngọc Kim làm đơn xung phong vào bộ đội và được bổ sung vào Lữ đoàn 335 Quân khu Tây Bắc. Tại đây, anh đã có sáng tác đầu tay ''Đi lên Đoàn quân 335'' với những lời ca hào sảng, được CBCS và thủ trưởng đơn vị ngợi khen. Cũng trong thời gian đó, anh còn có những ca khúc như ''Quê hương'', ''Theo bước cha anh''... ngợi ca những người du kích, gái đảm Việt Nam vai gánh bèo, vai mang súng vừa sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ quê hương. Bài hát ''Theo bước cha anh'' đã được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam như một lời khích lệ, động viên anh tiếp tục sáng tác.
Tháng 7-1966, khi vừa ở Thượng Lào về, nghe tin giặc Mỹ leo thang bắn phá Hà Nội, Hải Phòng và nghe Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá. Song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”. Nguyễn Ngọc Kim đã xúc động sáng tác bài hát ''Quyết đánh đến cùng'': ''Phải giết lũ giặc Mỹ, giải phóng miền Nam/Dù 10 năm hay 20 năm/Ta quyết đánh đến cùng/31 triệu con tim hòa chung một dòng máu dân tộc Việt Nam anh hùng/Lời Bác gọi toàn quân dân ta gươm súng nhất trí một lòng...''.
Tim ta còn đập, xe ta còn đi
Tháng 2-1968, Nguyễn Ngọc Kim được điều động vào Trường Sơn làm Tiểu đội trưởng ở Đoàn 559. Lúc đó mặc dù chiến tranh rất ác liệt nhưng với cốt cách vừa hào hùng, vừa lãng mạn của người Hà Nội, Nguyễn Ngọc Kim đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi Đường Trường Sơn anh hùng như ''Chào các anh những chàng trai dũng sỹ'', ''Tim ta còn đập, xe ta còn đi''... mang đậm âm hưởng tin tưởng, tự hào, thúc giục CBCS . Sau này, tựa đề bài hát ''Tim ta còn đập, xe ta còn đi'' đã trở thành khẩu hiệu được CBCS Tiểu đoàn xe 52 anh hùng dán lên cửa kính xe mỗi lần xuất phát, góp phần khích lệ bộ đội vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nguyễn Ngọc Kim cũng vinh dự đuợc tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.
Đất mẹ
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sau năm 1975, người thương binh hạng 4/4 Nguyễn Ngọc Kim chuyển ngành về Viện Điều dưỡng II TƯ. Năm 1998, vừa tròn 60 tuổi, ông về nghỉ hưu tại quê hương thứ 2 của mình là thôn Gò Sống, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì cùng người vợ thân yêu. Tuổi già nhưng chí không già, ông vừa nuôi ong, vừa tiếp tục sáng tác những bài hát ca ngợi quê hương như ''Đất mẹ'', ''Tấm lòng người thầy thuốc'', ''Đường Lâm quê mẹ''... được nhân dân và Hội CCB xã Tản Lĩnh yêu thích. Hơn bao giờ hết, những kỷ niệm sâu sắc về Đường Trường Sơn năm xưa luôn tươi mới trong tâm hồn người CCB. Và bài hát ''Trường Sơn năm xưa'' đã ra đời đúng dịp kỷ niệm 50 năm Đường Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2009) như một lời tri ân những đồng đội cũ; '”Trường Sơn ơi/Nhớ lắm ơi Trường Sơn/Thao thức bao ngày đêm/Năm mươi năm rồi lòng tôi còn mơ say/Năm mươi năm rồi mãi nhớ về Trường Sơn”.
Lệ Hằng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.