Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến dịch bầu chọn Vịnh Hạ Long: Được nhiều hơn mất

Xuân Lộc| 06/12/2011 06:55

(HNM) - Trong những ngày qua, cuộc bầu chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã gây nhiều tranh cãi xung quanh cách thức bình chọn, giá trị của danh hiệu cũng như những khoản phí mà Tổ chức New Open World (NOW) đưa ra.

Quảng bá khôn ngoan

Ngay sau khi cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới kết thúc, thông tin đăng tải trên một số trang web về khoản phí 5.000USD mà hằng tháng Bộ VH,TT&DL chi trả cho NOW đã khiến dư luận hoài nghi về những lợi ích và giá trị đích thực mà cuộc chơi này mang lại. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cuộc bầu chọn này chỉ mang tính chất cá nhân, tốn kém tiền của nhưng kết quả thu được không tương xứng với công sức bỏ ra.

Vịnh Hạ Long. Ảnh: Yến Ngọc


Trao đổi với Hànộimới, ông Trần Nhất Hoàng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến VH,TT&DL (Cục Hợp tác quốc tế - Bộ VH,TT&DL), Phó Bộ phận thường trực cuộc bầu chọn Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới khẳng định, bộ chưa từng bao giờ phải  trả khoản chi phí hằng tháng cho NOW. Mặt khác, trong suốt 4 năm qua (từ năm 2007 đến 2011), công tác quảng bá Vịnh Hạ Long được thực hiện hoàn toàn không tốn phí. Nếu không có cuộc bầu chọn này thì hằng năm bộ vẫn tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá ở trong và ngoài nước thông qua các lễ hội văn hóa; Tuần văn hóa - du lịch của Việt Nam; Hội chợ du lịch… Trong thời gian vận động, hình ảnh Vịnh Hạ Long và khẩu hiệu "Hãy ủng hộ Vịnh Hạ Long" được lồng ghép vào các hoạt động trên và không thêm chi phí.

Về số tiền 630 đồng/tin nhắn bầu chọn, trong đó 300 đồng được chia cho NOW để vận hành chương trình, quảng cáo, 300 đồng cho đơn vị bưu chính viễn thông, nhà mạng theo quy định cước viễn thông và 30 đồng còn lại dành cho những khoản thuế, phí chuyển ngoại tệ theo quy định của nhà nước, ông Trần Nhất Hoàng cho rằng, cuộc thi nào cũng phải có kinh phí để Ban tổ chức hoạt động. Cuộc bầu chọn này không nằm ngoài quy luật đó. Tuy nhiên, chi phí như vậy so với công tác quảng bá mà chúng ta thu được là ít chứ không nhiều. Hằng năm, các nước ở Đông Nam Á khác dành khoảng 60 - 70 triệu USD chi cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, còn Việt Nam chi cho công việc này khoảng 60 - 70 tỷ đồng. Số tiền ấy là nhỏ so với yêu cầu của quảng bá du lịch nên công tác này không đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, tham gia cuộc bầu chọn này là cách quảng bá khôn ngoan hình ảnh điểm đến  mảnh đất hình chữ S với bạn bè quốc tế. Điều dễ nhận thấy, sau khi kết thúc cuộc bầu chọn, thông tin Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới đã được đăng tải trên nhiều tờ báo có uy tín.

Không thể đong đếm bằng tiền

Theo Bộ VH,TT&DL, mỗi một cuộc thi đều có những tiêu chí khác nhau. Danh hiệu hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới được đánh giá theo những tiêu chí khoa học, có mục tiêu giáo dục, bảo tồn. Còn đến với cuộc thi này, Vịnh Hạ Long trở thành kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới lại dựa trên tiêu chí đánh giá khả năng quảng bá di sản. Tuy chỉ là cuộc thi của một tổ chức nhưng hiệu quả mà nó mang lại không thể đong đếm được bằng tiền.

Suốt 4 năm qua, cái tên Vịnh Hạ Long đã được thế giới biết đến nhiều hơn. Nhờ đó, những năm gần đây, dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng du lịch Việt Nam và Hạ Long vẫn tăng trưởng tốt. Trung bình, hằng năm, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam tăng từ 10-15% và lượng khách trong nước cũng tăng từ 15-20%. Cuộc bầu chọn này đã tạo cơ hội để ngành du lịch xây dựng một biểu tượng điểm đến của quốc gia hoặc một thương hiệu quốc gia để giới thiệu với bạn bè quốc tế. Chẳng hạn như nói đến nước Pháp là người ta liên tưởng ngay đến tháp Effel, hay Trung Quốc có Vạn Lý Trường Thành, Ai Cập có Kim Tự Tháp… "Chúng tôi cũng muốn xây dựng thương hiệu Vịnh Hạ Long gắn liền với du lịch Việt Nam. Nếu khách chưa đến Hạ Long coi như chưa đến Việt Nam", ông Trần Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Không riêng gì nước ta, cuộc bầu chọn đã thu hút được sự tham gia của nhiều nước khác như Hàn Quốc, Philippines, Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ… Nhiều nhân vật nổi tiếng đã tham gia vào cuộc chơi này như cầu thủ Park Ji Sung quảng bá cho đảo Jeju, Lionel Messi quảng bá cho Thác nước Iguazu của Áchentina, Nelson Mandela ủng hộ cho Núi Bàn của Nam Phi, và đó là các địa danh chiến thắng. Còn ở nước ta, cuộc bầu chọn đã thể hiện lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của cộng đồng người Việt ở trong và ngoài nước, thể hiện những tình cảm mà bạn bè và du khách quốc tế dành cho đất nước, con người Việt Nam. Thắng lợi từ kết quả cuộc bầu chọn sẽ mang tính hối thúc những nhà quản lý trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thu hút sự đầu tư, ý thức bảo vệ di sản của người dân cũng sẽ tốt hơn. "Cái lợi mà chúng ta đạt được ở cuộc chơi này là rất lớn", ông Trần Nhất Hoàng một lần nữa khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch bầu chọn Vịnh Hạ Long: Được nhiều hơn mất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.