(HNM) - Từ trước tới nay Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn được biết đến là nhà lãnh đạo mạnh tay chống tham nhũng. Không ít lần, người dân xứ Bạch dương chứng kiến
Điều này vừa một lần nữa lặp lại tuần qua khi người đứng đầu nước Nga ký quyết định cách chức Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov và 3 cấp phó, trong đó có cả Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang LB Nga.
Tham nhũng có thể ảnh hưởng tới kế hoạch hiện đại hóa quân đội Nga từ nay đến năm 2020. |
Việc chỉ trong khoảng một tuần lễ, nhiều quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga bị cách chức cho thấy quyết tâm của Tổng thống V.Putin trong cuộc cải tổ bộ máy này, vốn bị chỉ trích gay gắt trong thời gian gần đây. Nguyên nhân mất chức của các viên tướng đều do liên quan đến các đơn đặt hàng quốc phòng thời gian qua không được ký kết và hoàn thành đúng hạn, cũng như tình trạng tham nhũng tràn lan trong quân đội Nga làm ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu và công cuộc hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
Thực ra, nước Nga đã đối mặt với tham nhũng ngay sau khi Liên bang Xô Viết tan rã. Nhưng đến những năm gần đây "căn bệnh" này đã kịch phát đến mức nguy hiểm, thậm chí thành một lối sống, một quy tắc ứng xử trong xã hội Nga. Theo con số do Tổ chức phi chính phủ InDem Foundation tại Mátxcơva (chuyên nghiên cứu về tham nhũng tại Nga) công bố, hằng năm người dân phải chi tới trên 300 tỷ USD để "lo lót". Số tiền này tương đương 1/3 tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga. Còn kết quả điều tra của hãng tư vấn và kiểm toán quốc tế PricewaterhouseCoopers cho thấy, 71% doanh nghiệp ở Nga là nạn nhân hằng ngày của tội phạm kinh tế khi luôn phải chi cho các khoản "bôi trơn" và ngày một tăng.
Vì thế, công cuộc "thay máu" tại Bộ Quốc phòng Nga được cho là đúng lúc, nhất là trong bối cảnh tham nhũng đã thành một "đại dịch" tại cơ cấu sức mạnh này trong nhiều thập kỷ qua. Riêng năm ngoái, đã có ít nhất 20% ngân sách liên bang cấp cho bộ này đã bị biển thủ. Trong khi đó, trước nguy cơ hiện đại hóa quân sự với quy mô lớn của một số nước và tình hình phức tạp tại phía đông dãy Ural đang khiến Nga buộc phải tăng cường ảnh hưởng sang phía đông. Cụ thể là gia tăng các hoạt động quân sự ở vùng Viễn Đông nhằm khôi phục khả năng tác chiến vốn bị suy giảm sau khi Liên Xô tan rã, cân bằng sức mạnh quân sự với các liên minh khác và sự gia tăng tiềm lực quân sự của một số nước lớn. Bên cạnh đó, Mátxcơva còn phải hướng ưu tiên vào nhiệm vụ "bảo vệ các lợi ích quốc gia" tại Bắc Cực và tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương. Hiện tại, lực lượng vũ trang Nga đang triển khai kế hoạch hiện đại hóa quân đội với mục tiêu xây dựng quân đội tinh gọn, cơ động và có khả năng tác chiến cao với tổng chi phí 650 tỷ USD. Theo kế hoạch, đến năm 2020, quân đội Nga sẽ tiếp nhận hàng trăm máy bay, tàu ngầm, xe tăng, hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại S-400 và S-500… tại các khu vực "nhạy cảm". Ngoài ra, chương trình tái trang bị toàn bộ lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga đến năm 2020 là một chương trình quan trọng bậc nhất trong toàn bộ lịch sử nước Nga. Nếu không có một cuộc cải cách triệt để ngay tại Bộ Quốc phòng, lộ trình xây dựng chiến lược an ninh quốc gia Nga nhiều khả năng sẽ bị trệch hướng. Do đó cuộc "làm sạch" tại Bộ Quốc phòng Nga của người đứng đầu nước Nga là không quá khó hiểu.
Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, nhờ có chính sách đối ngoại và đường lối kinh tế đúng đắn, Nga đã khôi phục thành công vị thế cường quốc trong một thế giới đa cực. Tuy nhiên, để tiếp tục tăng cường nội lực và phát triển bền vững, Tổng thống V.Putin còn rất nhiều thách thức phải vượt trên chặng đường sắp tới, trong đó có cuộc chiến chống tham nhũng. Mặc dù vậy, những gì Tổng thống V.Putin đang làm sẽ giúp loại bỏ những hoài nghi và làm dấy lên hy vọng của người dân xứ Bạch dương về những thay đổi tích cực trong thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.