Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chia sẻ gánh nặng

Anh Minh| 20/08/2022 07:38

(HNM) - Từ năm 2021 đến nay, nhiều loại vật liệu xây dựng, như xi măng, sắt thép, cát… đều tăng giá; có lúc cục bộ, có lúc lại diễn ra trên diện rộng. Theo báo cáo của Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, vật liệu xây dựng đã tăng 18-40% (tùy loại), cộng thêm hậu quả của làn sóng dịch Covid-19, đã trở thành "ác mộng" cho nhà thầu.

Thời điểm hiện tại, giá hàng hóa này đang phần nào “hạ nhiệt”, nhưng chưa có chỉ dấu cho thấy sẽ giảm sâu và ổn định trong thời gian tới. Với tình thế này, cộng đồng nhà thầu xây dựng rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, bởi nếu bảo đảm tiến độ thi công thì phải bỏ tiền mua vật liệu với giá cao bất thường. Nhưng nếu giãn tiến độ, không giữ cam kết như hợp đồng thì bị chủ đầu tư phạt.

Thực tế, các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu đều lo ngại hậu quả về nhiều mặt của việc tăng giá nguyên, vật liệu, vì cả nước có tới hàng nghìn dự án đang triển khai. Đã có nhiều ý kiến, đề xuất, kêu gọi sự hỗ trợ từ hiệp hội và các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế theo phương án chia sẻ gánh nặng, rủi ro nhằm giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Xây dựng vừa có Công văn số 3102/BXD-KTXD gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề cập một số giải pháp. Đó là, đối với hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp số liệu, báo cáo Chính phủ giải quyết. Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, Bộ đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố rà soát, xác nhận giá vật liệu xây dựng trên địa bàn từ năm 2021 trở lại đây để đánh giá toàn diện; thường xuyên công bố chỉ số giá xây dựng để đối chiếu, làm căn cứ điều chỉnh chi phí, giảm thiệt hại cho nhà thầu.

Như vậy, đây là động thái cần thiết để hỗ trợ, chia sẻ với nhà thầu một cách thiết thực trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chia sẻ gánh nặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.