(HNM) - Sáng qua (26-11), các nghệ sĩ điện ảnh thuộc các đoàn làm phim quốc tế tham dự Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai đã có buổi trao đổi với báo giới quanh chủ đề phim và làm phim. Đó là các đạo diễn, diễn viên của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ…
Bán nhà để làm phim
Đây là chia sẻ của đạo diễn, nhà sản xuất của bộ phim "Đêm yên tĩnh" - điện ảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa giành rất nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế. Điều đáng nói là bối cảnh phim gần như rất đơn giản, phần lớn thời gian lại diễn ra trong một căn phòng cưới… Đạo diễn Celik Reyis cho biết, bộ phim có chi phí khoảng gần 500 nghìn USD và ông phải bán nhà để thực hiện tác phẩm này.
Chắc chắn kinh phí làm phim luôn là một thách thức với các nhà làm điện ảnh, nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, với niềm đam mê với nghệ thuật thứ bảy, nhiều nghệ sĩ đã không ngừng nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ. Kang Je-kyu, đạo diễn của bộ phim "My Way" (chương trình Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc) là một ví dụ. Bộ phim về đề tài chiến tranh của anh có bối cảnh trải từ Hàn Quốc cho tới Pháp, dàn diễn viên đa quốc tịch, thu hút một lượng kinh phí vào hàng "đồ sộ" là 30 triệu USD. Và nguồn đầu tư này có được từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh (trong đó có một phần từ Chính phủ Hàn Quốc, còn lại là của các tổ chức, doanh nghiệp…). Trong khi đó, cũng có những bộ phim khác như "Tồn tại" của New Zealand lại cũng được đạo diễn Juliet Bergh chia sẻ là một bộ phim kinh phí thấp. Nữ đạo diễn cũng bày tỏ rằng, đoàn phim phải tìm kiếm nguồn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân, thậm chí là từ sự tham gia của chính các nghệ sĩ điện ảnh. Một ví dụ khác về bài toán kinh phí là ở phim "Đam mê" của Việt Nam. Đạo diễn Phi Tiến Sơn cho hay muốn có những cảnh kỹ xảo của nhân vật với các loài thú dữ thì cái giá đưa ra ở Thái Lan là 100-150 nghìn USD/cảnh. Và theo đạo diễn, chỉ hai cảnh thôi là hết tổng dự toán của phim này. Vậy là phải về nước làm theo kiểu khác, viện đến sự giúp đỡ của các địa chỉ nuôi thú… trong nước.
Hơn cả đề tài là cách kể và dấu ấn văn hóa
Có khá nhiều gương mặt đạo diễn trẻ của điện ảnh Châu Á đã chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm làm phim đáng chú ý. Có thể kể đến nữ đạo diễn Heiward Mak (sinh năm 1984) của Hồng Kông với phim "Diva" dự thi tại Liên hoan phim lần này. Chị cho rằng, điện ảnh ở Hồng Kông cạnh tranh rất lớn, nhưng với chị đó lại là môi trường thuận lợi để cọ sát. Và cho dù nguồn đầu tư từ Trung Quốc chủ yếu dành cho các phim lớn, song gần đây những bộ phim vừa sức về đề tài giới trẻ, tình yêu… cũng đã thuyết phục được nhiều hơn sự quan tâm của các tổ chức đầu tư cho điện ảnh. Vấn đề chính là ở cách kể của những bộ phim này. Cũng như vậy, đạo diễn trẻ của Nhật Bản Takamasa Ooe (sinh năm 1981) cho rằng, anh làm phim dựa trên những quan sát thực tế đời sống và từ cảm nhận riêng của cá nhân mình. Dễ nhận ra rằng các nhà làm phim cho dù ở quốc gia, vùng lãnh thổ nào cũng đều rất chú ý đến màu sắc văn hóa trong tác phẩm. "Đêm yên tĩnh" mang đậm màu sắc phong tục Thổ Nhĩ Kỳ từ trang phục, cho đến cốt truyện, diễn biến… Trong "Bức điện" của điện ảnh Tajikistan cũng vậy, những tình tiết chở nặng phong tục văn hóa riêng mà người xem như được mở thêm một cánh cửa ra thế giới…
Có lẽ, một chân lý đơn giản nhưng luôn là thách thức với người làm điện ảnh là nói những vấn đề chung của nhân loại, nhưng lại theo cách kể riêng mang màu sắc văn hóa của dân tộc mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.