Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường lãnh đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

HNMO| 15/10/2021 19:19

(HNMO) - Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kết luận của lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ, ngày 14-10, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:

Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII), chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Kết luận của lãnh đạo chủ chốt, Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021 của Chính phủ, tập trung ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để cơ bản kiểm soát và ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn Thủ đô, địa bàn trọng yếu của cả nước, nhất là tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp... với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; tránh các tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo tiền đề khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Thời gian qua, đặc biệt là trong 4 đợt giãn cách xã hội, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã đồng sức, đồng lòng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân, xác định phương châm phòng, chống dịch từ sớm, từ xa và chuẩn bị các điều kiện ở cấp độ cao hơn với những giải pháp trúng và đúng để tránh bị động, bất ngờ khi tình huống xấu xảy ra; đã tập trung thần tốc triển khai xét nghiệm tầm soát y tế diện rộng trên toàn địa bàn thành phố, tiêm vắc xin phủ trên 98% mũi 1 cho toàn bộ người dân từ đủ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện; tập trung đầu tư các khu thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng, xây dựng các khu cách ly tập trung; siết chặt quản lý các khu cách ly, phong tỏa; tập trung thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh; củng cố các "pháo đài" chống dịch tại từng xã, phường, thị trấn; lấy người dân là "chiến sĩ", là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Do đó, thành phố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và bảo vệ an toàn cho Thủ đô.

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với các biến chủng mới tại bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu. Thực hiện chủ trương tạm dừng thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg, Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2686/QĐ-BCĐQG, ngày 31-5-2021 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương trên cả nước, đồng thời, nới lỏng các hoạt động vận chuyển hành khách bằng hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy để thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; trong điều kiện thành phố đã cơ bản hoàn thành tiêm vắc xin mũi 1 cho người trên 18 tuổi, nhưng số người trên 50 tuổi trả mũi 2 còn thấp (khoảng 20%), số lượng người cao tuổi, người có bệnh nền không đủ điều kiện tiêm vẫn rất lớn; chưa có vắc xin tiêm cho người dưới 18 tuổi; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch và quản lý di biến động dân cư chưa được hoàn thiện; dự kiến, có hàng triệu sinh viên, người lao động, các nhà đầu tư, chuyên gia, doanh nghiệp từ các địa phương khác chưa hoàn thành công tác tiêm chủng vắc xin phòng ngừa Covid-19 sẽ trở lại và hoạt động trên địa bàn thành phố.

Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới nhằm thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ phù hợp điều kiện thực tiễn của thành phố theo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, từng bước bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân, an toàn cho Thủ đô là trên hết, trước hết và giữ vững thành quả đạt được; có lộ trình nhưng không chủ quan, nóng vội với mục tiêu nhanh chóng khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm tốt an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở thực hiện tốt các nội dung như sau:

1. Quán triệt sâu sắc quan điểm: (1) Tiếp tục đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; phát huy vai trò của người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của thành phố; bảo đảm mọi người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. (2) Thống nhất trong việc thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình từng bước, chặt chẽ, phù hợp, khả thi; vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an dân, an sinh, trật tự, an toàn xã hội. (3) Trong phòng, chống dịch phải lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly, điều trị là điều kiện tiên quyết, tiếp tục thực hiện yêu cầu "5K" và quét mã QR, đề cao ý thức người dân với lực lượng y tế là nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an... động viên sự tham gia của tất cả các lực lượng, các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là chính quyền cơ sở.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; huy động cả hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Làm tốt hơn nữa công tác dự báo, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Nêu cao vai trò của chi bộ thôn, tổ dân phố, cán bộ, đảng viên tại cơ sở và nơi cư trú, sự vào cuộc một cách thực chất và hiệu quả hơn nữa của hệ thống chính trị ở cơ sở, của Tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng (do lực lượng công an cơ sở làm nòng cốt), các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên... nhất là đoàn viên, thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh... trong công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức tự giác chấp hành các biện pháp của người dân trên địa bàn, theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về thành phố. Các chi bộ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 190-CV/TU, ngày 30-8-2021 về tăng cường phân công cán bộ, đảng viên tham gia theo dõi, phụ trách từng hộ gia đình trong công tác phòng, chống dịch, tham gia phối hợp, kiểm soát di biến động dân cư.

3. Tập trung đầu tư, tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Rà soát trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn; có kế hoạch bổ sung trang thiết bị, vật tư y tế (nhất là ô xy) đầy đủ, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất. Đồng thời, thiết lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, phục vụ sản xuất, kinh doanh được bình thường.

Phối hợp với Bộ Y tế báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia bảo đảm phân bổ vắc xin kịp thời để thực hiện tiêm phủ mũi 2 theo kế hoạch đã đề ra và sớm tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi trên địa bàn thành phố.

Duy trì công tác xét nghiệm tầm soát các đối tượng, khu vực có nguy cơ cao theo chỉ định của ngành Y tế; khi phát sinh F0 khẩn trương phong tỏa, cách ly, khoanh vùng hẹp, quản lý chặt, truy vết nhanh, xét nghiệm và trả kết quả trong thời gian ngắn nhất để xử lý kịp thời, kiểm soát hiệu quả. Rà soát các khu cách ly tập trung, cơ sở thu dung F0 nhẹ, sẵn sàng đáp ứng kịp thời diễn biến của dịch bệnh trong tình hình mới.

Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng, chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực cho hệ thống y tế, nhất là trạm y tế xã, phường, thị trấn, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; có chính sách đặc thù, đãi ngộ đối với lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu, Tổ Covid-19 cộng đồng.

4. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách, có giải pháp tổng thể, tiếp tục xã hội hóa công tác an sinh xã hội trong thời gian tới bảo đảm không bỏ sót đối tượng và không ai bị bỏ lại phía sau. Quan tâm chăm sóc sức khỏe, tâm lý của người dân; hỗ trợ người mất việc, không có thu nhập, khó khăn do đại dịch; khắc phục các bất cập trong việc tổ chức học trực tuyến cho học sinh. Bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng, chống dịch và tham nhũng, tiêu cực.

5. Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm và nâng cao tính chủ động của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ và thống nhất áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm soát dịch bệnh bảo đảm hoạt động giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, không để xảy ra ách tắc cục bộ; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển bảo đảm an toàn, an ninh và các yêu cầu phòng, chống dịch.

6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ để bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi cho người dân khi sử dụng và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

7. Các Đoàn kiểm tra theo Quyết định số 1103-QĐ/TU, ngày 4-6-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách cơ sở; các cấp, các ngành của thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là ở cấp cơ sở về công tác tổ chức thực hiện và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi; phát hiện và chấn chỉnh ngay những nơi thực hiện chưa nghiêm túc, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan:

- Xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với lộ trình cụ thể, khả thi. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 để các cấp, các ngành có cơ sở triển khai thực hiện.

- Chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế với tinh thần chủ động, sáng tạo, bám sát thực tiễn, không chủ quan, lơ là; bảo đảm phương châm "bốn tại chỗ"; thực hiện việc mua sắm để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 đúng quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, phòng, chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

- Thực hiện việc xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế người đến từ vùng dịch, từ các địa phương khác; người nhập cảnh (bao gồm trẻ em chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin) theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế; người hoàn thành cách ly tập trung được di chuyển thuận lợi về nơi cư trú/lưu trú, làm việc để phục vụ khôi phục và phát triển sản xuất. Tiếp tục triển khai tiêm chủng mũi 2 ngay khi được phân bổ vắc xin.

- Cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Căn cứ tình hình dịch trên địa bàn thực hiện công bố mức độ dịch và các biện pháp áp dụng tương ứng; trong trường hợp cần thiết đề xuất báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh các biện pháp phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của thành phố.

- Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, nòng cốt là Công an thành phố triển khai việc nhập và đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ mục tiêu trước mắt là công tác phòng, chống dịch Covid-19 và lâu dài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và công tác quản lý xã hội trên địa bàn thành phố.

- Báo cáo kế hoạch xây dựng, cải tạo hệ thống các bệnh viện, cơ sở y tế để bảo đảm chỉ tiêu hệ thống y tế theo Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, đồng thời, có giải pháp nâng cao năng lực các trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm yêu cầu trước mắt và lâu dài; thời gian báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy trong tháng 10-2021.

- Ban Cán sự đảng UBND thành phố phối hợp với Đảng đoàn HĐND thành phố nghiên cứu, rà soát, kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách cần thiết và cân đối, bổ sung nguồn lực cho các quận, huyện, thị xã bảo đảm phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố.

Giao Đảng đoàn HĐND thành phố phối hợp với Ban Cán sự đảng UBND thành phố trình HĐND thành phố thông qua các cơ chế, chính sách và cân đối, bổ sung nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, đồng thời, tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động nhân dân nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh... phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp thực hiện tốt công tác an sinh, phúc lợi xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương, cơ sở.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp quán triệt, triển khai nghiêm túc Chỉ thị, thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy kết quả thực hiện. Các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nắm chắc tình hình, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ động chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, phương thức mới của Trung ương và thành phố trong công tác phòng, chống dịch bệnh một cách sâu rộng, thực chất để nhân dân hiểu và nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là các gia đình, địa bàn có người về từ vùng dịch, thực hiện giám sát cộng đồng bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan, bùng phát bệnh.

Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch của thành phố thời gian qua, thực hiện tốt hệ thống các giải pháp trong tình hình mới; quyết tâm bảo vệ an toàn cho Thủ đô và sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ để tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về tăng cường lãnh đạo thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.