Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm mạnh từ tháng 8-2012

Thủy Hương| 01/03/2013 14:25

(HNMO)-Theo khảo sát của HSBC, mặc dù tốc độ suy giảm chỉ số PMI tháng 2-2013 vừa phải, xuống 48,3 điểm nhưng lại là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8-2012.

Ảnh minh họa


Sau khi điều chỉnh các yếu tố mùa vụ, bao gồm kỳ nghỉ Tết nguyên đán, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 2-2013 giảm 1,8 điểm, xuống mức 48,3 điểm.

Như vậy, chỉ số PMI lần thứ hai trong 3 tháng qua đã có kết quả dưới mức 50 điểm. Điều này báo hiệu có sự giảm sút. Mặc dù tốc độ suy giảm chỉ số PMI tháng 2 là vừa phải nhưng cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 năm ngoái.

Theo khảo sát, cả sản lượng sản xuất và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm trong tháng 2 phản ánh nhu cầu khách hàng suy yếu. Một số báo cáo cũng cho rằng số lượng đơn đặt hàng đã giảm do một số khách hàng đang nắm giữ lượng hàng tồn kho vượt mức. Lượng công việc mới đã giảm từ cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm tháng thứ mười liên tiếp, nhưng tốc độ giảm đã chậm lại ở mức thấp của sáu tháng.

Kết quả hoạt động yếu kém gần đây của lĩnh vực sản xuất đã ảnh hưởng tới thị trường lao động, với số lượng việc làm ngành sản xuất giảm lần đầu tiên trong 5 tháng qua. Mặc dù tốc độ giảm nhìn chung khá nhẹ nhưng vẫn là mạnh nhất kể từ tháng 7-2012. Các công ty cũng cho rằng nhu cầu về việc làm thấp hơn là do họ muốn kiểm soát chi phí.

Năng lực sản xuất của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã gia tăng, nhờ đó lượng công việc tồn đọng đã tiếp tục giảm trong tháng 2. Lượng công việc chưa thực hiện đã giảm trong tất cả 11 tháng qua.

Dữ liệu tháng 2 cho thấy chi phí mua hàng trung bình tăng tháng thứ 2 liên tiếp. Các công ty cho biết, họ đã phải trả chi phí cao hơn cho một số mặt hàng nguyên liệu thô, kể cả kim loại và lương thực thực phẩm. Do đó, các nhà sản xuất đã điều chỉnh giá bán hàng cao hơn để phản ánh một phần chi phí gia tăng. Giá xuất xưởng đã tăng lần đầu tiên trong 10 tháng qua.

Trong tháng 2, các nhà sản xuất đã duy trì quan điểm thận trọng chi phí trong các quyết định mua hàng và lưu kho. Yêu cầu sản xuất thấp hơn dẫn đến lượng mua hàng hóa đầu vào giảm nhẹ, và đây là lần giảm đầu tiên trong bốn tháng qua. Trong khi đó, tồn kho hàng mua và hàng thành phẩm đã giảm mạnh trong kỳ khảo sát mới nhất với tốc độ giảm trong cả hai trường hợp là nhanh nhất kể từ khi quá trình thu thập dữ liệu bắt đầu vào tháng 4.2011. Hiệu suất trung bình của người bán hàng cũng đã suy giảm nhẹ, phản ánh việc người bán hàng thiếu hụt một số loại nguyên liệu thô.

HSBC cho rằng, việc giảm sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới cho thấy quá trình phục hồi vẫn còn rất khó khăn. Ngân hàng Nhà nước cho biết có thể sẽ xem xét giảm lãi suất hơn nữa. Tuy nhiên, theo HSBC, với tình trạng giá cả đầu vào gia tăng và lạm phát cơ bản vẫn leo thang thì Ngân hàng Nhà nước còn có rất ít khả năng để thực thi được việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam giảm mạnh từ tháng 8-2012

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.