(HNM)- Trong quá trình thực hiện cải cách hành chính, việc người dân tích cực tham gia phản ánh và các cơ quan, các cấp chính quyền lắng nghe để hoàn thiện là điều rất quan trọng. Những năm gần đây, vấn đề này đã được các cơ quan chức năng quan tâm, xây dựng bộ chỉ số đánh giá với tiêu chí khá cụ thể nhằm đẩy mạnh sự tương tác thân thiện giữa người dân và cơ quan hành chính.
Bộ chỉ số hiệu quả quản lý hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là PAPI - do Bộ Nội vụ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện) là dự án đã được triển khai thử nghiệm (năm 2009 chỉ thực hiện tại Phú Thọ, Đà Nẵng, Đồng Tháp; năm 2010 thực hiện tại 30 tỉnh, TP ở ba miền Bắc, Trung, Nam) và đem lại hiệu quả bước đầu. Chỉ số PAPI phản ánh cảm nhận của người dân với tư cách là người sử dụng các dịch vụ hành chính công. Chính vì thế, việc chọn mẫu khảo sát được thực hiện theo một quy trình, thủ tục nghiêm ngặt, nhằm bảo đảm tính khách quan và khoa học. Những vấn đề bộ chỉ số PAPI tập trung phân tích liên quan tới ba quy trình có mối quan hệ tương hỗ và củng cố lẫn nhau, đó là: hoạch định chính sách; thực thi chính sách và giám sát thực thi chính sách. Trong đó, tập trung vào 6 nhóm chỉ số chính: sự tham gia của người dân; sự minh bạch; trách nhiệm giải trình; phòng, chống tham nhũng; thủ tục hành chính; dịch vụ công. Riêng năm 2010, chỉ số PAPI đã thu được ý kiến đóng góp của 5.500 người dân. Trên cơ sở đó, các chuyên gia sẽ phân tích và nghiên cứu về mặt mạnh và hạn chế của từng tỉnh, thành phố, đồng thời tiến hành so sánh, xếp hạng các tỉnh, thành phố và công bố trong thời gian tới.
Thông qua chỉ số PAPI, các địa phương có thể thấy rõ ưu, khuyết điểm để đề ra những giải pháp thiết thực cho quá trình cải cách hành chính tại địa phương. Theo kế hoạch, trong năm 2011, chỉ số PAPI sẽ được thực hiện đồng loạt trên tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây sẽ là một "kênh" thực hiện tốt vai trò "cầu nối", thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hành chính với người dân. Chính vì thế, các tỉnh, thành phố có thể tham khảo kết quả khảo sát chỉ số PAPI của tỉnh mình và cả các tỉnh bạn để có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ người dân; đồng thời phục vụ thiết thực cho chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.