Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa, học giả uyên bác của Thủ đô

01/06/2019 06:16

(HNM) - Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội về nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa Nguyễn Văn Tố, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội.

Người con ưu tú của Thủ đô

Trong suốt chiều dài lịch sử của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, đã có rất nhiều người con ưu tú, nhà lãnh đạo kiệt xuất, chí sĩ yêu nước, anh hùng cách mạng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì non sông, đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Một trong những hiền tài đó là cụ Nguyễn Văn Tố, vị Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhân cách lớn, một nhà chí sĩ yêu nước tài năng, nhà lãnh đạo tài ba, học giả uyên bác trên nhiều lĩnh vực. Cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Tố là tấm gương sáng cho các thế hệ người Việt Nam, trong đó có nhân dân Thủ đô học tập, noi theo.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946: Hàng đầu, từ trái sáng phải: Cụ Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Huỳnh Thúc Kháng. (Ảnh tư liệu)


Cụ Nguyễn Văn Tố (bút hiệu Ứng Hòe), sinh ngày 5-6-1889 trong một gia đình nhà nho, thuộc làng Đông Thành, nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, vùng đất kinh kỳ “địa linh, nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, nơi kết tinh, lan tỏa các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc với lịch sử nghìn năm văn hiến. Cụ là nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, một học giả uyên bác, nổi tiếng về chữ Hán và chữ Nôm, có kiến thức sâu rộng về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Cả cuộc đời nghiên cứu và hoạt động cách mạng, cụ đã có những đóng góp quan trọng về lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Hà Nội nói riêng; góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Là một trí thức có uy tín nên cụ được giao nhiều trọng trách như: Hội trưởng Hội Trí Tri; Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Việt Nam. Cụ đã cùng với những trí thức yêu nước lớn như: Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp tổ chức xóa mù chữ, nâng cao dân trí. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, cụ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra giúp nước, với cương vị Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội trong Chính phủ lâm thời. Trong tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội ngày 2-3-1946, cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội (cương vị Chủ tịch Quốc hội ngày nay) và tham gia lãnh đạo cách mạng.

Đóng góp to lớn với cách mạng Việt Nam và phong trào diệt “giặc đói”, “giặc dốt”


Trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, chí sĩ Nguyễn Văn Tố đã có đóng góp rất lớn với cách mạng Việt Nam, nhất là đối với phong trào cách mạng tại Hà Nội.

Thứ nhất, cụ Nguyễn Văn Tố đã có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp mở mang dân trí, truyền bá chữ quốc ngữ cho nhân dân ta. Cuối năm 1937, Đảng ta đề ra công tác chống nạn thất học. Theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc kỳ quyết định vận động thành lập một tổ chức công khai chống nạn mù chữ. Với lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm vào việc nâng cao dân trí, tháng 5-1938, các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và một số nhân sĩ, trí thức tiến bộ đứng ra thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ và bầu cụ Nguyễn Văn Tố làm Hội trưởng. Chương trình của Hội là mở các lớp học cho tất cả mọi người không biết chữ, không thu học phí, in sách giáo khoa phát miễn phí cho người học. Hệ thống tổ chức của Hội được xây dựng từ Ban Vận động Trung ương đặt trụ sở tại Hà Nội tới các chi nhánh ở các địa phương.

Cụ Nguyễn Văn Tố cùng các đồng chí cho xuất bản, nhiều tập sách về chủ nghĩa Mác - Lênin, về duy vật biện chứng, duy vật lịch sử đã được công khai lưu hành, sách báo cách mạng và có xu hướng tiến bộ đã đến với đông đảo quần chúng, góp phần chống lại chính sách ngu dân của thực dân Pháp.

Hội Truyền bá chữ quốc ngữ đã có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp nhân dân Hà Nội và nhanh chóng trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi khắp thành thị, nông thôn. Đoàn Thanh niên dân chủ trong thanh niên học sinh là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền và dạy học. Riêng ở Hà Nội, chỉ trong hai năm 1938-1939, đã mở được 4 khóa học, xóa nạn mù chữ cho hơn 4.000 người đa số là nhân dân lao động. Trong 6 năm (1938-1944), Hội Truyền bá quốc ngữ Trung ương đã có 28 chi nhánh ở Bắc kỳ, Trung kỳ, có 820 lớp, với 2.903 giáo viên, dạy cho hơn 40.000 người đã biết đọc, biết viết.

Báo “Tin tức” của Đảng đã đánh giá: “Hội Truyền bá quốc ngữ là trường học văn hóa rộng lớn và cũng là trường học yêu nước, yêu dân”. Xứ ủy Bắc kỳ nhận định: “Thật là một công cuộc phát triển văn hóa quan trọng”… Phong trào truyền bá quốc ngữ thực sự có tác động to lớn trong việc tập hợp thanh niên yêu nước đến với cách mạng, chống lại âm mưu trụy lạc hóa thanh niên của kẻ thù, đã trở thành mũi xung kích sắc bén trong phong trào vận động dân chủ, dân sinh thời kỳ 1936-1939.

Chân dung cụ Nguyễn Văn Tố (Nguồn ảnh: Internet)


Thứ hai, với cương vị là Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội, cụ Nguyễn Văn Tố đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi phong trào diệt “giặc đói”, “giặc dốt”. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, mời cụ Nguyễn Văn Tố tham gia Chính phủ lâm thời và giữ chức Bộ trưởng Bộ Cứu tế xã hội với nhiệm vụ diệt “giặc đói” và “giặc dốt”. Trên cương vị mới, cụ đã làm việc không mệt mỏi để tổ chức và động viên nhân dân tích cực tham gia phong trào quyên góp gạo để cứu đói. Tháng 9-1945, Hà Nội đã tổ chức thực hiện 3 cuộc vận động lớn: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Trong đó, phong trào chống nạn mù chữ đã lôi cuốn toàn dân tham gia, với vai trò rất lớn của cụ Nguyễn Văn Tố.

Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thanh niên, học sinh, sinh viên, công chức, trí thức… và tất cả những ai biết chữ đều hăng hái tham gia các “đội quân tiễu trừ giặc dốt”. Trong thời gian ngắn, hầu khắp các khu phố, thôn xóm đều tổ chức những lớp bình dân học vụ cho những người chưa biết chữ thuộc đủ các tầng lớp xã hội, các lứa tuổi. Trong tháng 9-1945, Hà Nội đã có hơn 2.000 thanh niên, nam nữ xung phong làm giáo viên giảng dạy, phát hành hàng vạn sách học đánh vần, đáp ứng yêu cầu của hàng nghìn lớp học tại các gia đình, cơ quan, xí nghiệp, trường học, đình, chùa… thu hút hàng vạn người theo học vào các buổi sáng, trưa, chiều tối; nhờ đó, đã xóa mù chữ cho hàng triệu người. Cùng với đó là xây dựng đời sống mới nhằm mục đích giáo dục tinh thần yêu nước, yêu lao động, bài trừ những thói hư tật xấu do xã hội cũ để lại.

Là người có uy tín, cụ Nguyễn Văn Tố đã đề ra và lãnh đạo thực hiện các biện pháp tích cực nhằm đẩy lùi nạn đói; đời sống nhân dân, nhất là nông dân được cải thiện, sản xuất được phục hồi, nền tảng của chế độ mới thêm vững chắc. Đó chính là những công lao to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và Thủ đô Hà Nội.

Thứ ba, trên cương vị một chính khách, một nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, cụ Nguyễn Văn Tố có công lớn trong việc huy động vật lực chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Pháp. Thời gian đầu mọi công việc chuẩn bị kháng chiến diễn ra rất khẩn trương, từ vận động nhân dân nội, ngoại thành chuẩn bị lương thực, thực phẩm cung cấp cho mặt trận đến vận động thanh niên xung phong vào bộ đội, củng cố lực lượng vũ trang ở các địa phương, sắm sửa vũ khí. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành phố đã tuyên truyền vận động nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, đóng góp sức người sức của vào cuộc kháng chiến. Công tác tuyên truyền, vận động đã làm dấy lên khí thế “kháng chiến toàn dân, toàn diện”. Công việc chuẩn bị kháng chiến của thành phố cơ bản đã hoàn thành, quân dân Hà Nội sẵn sàng chiến đấu đến cùng bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Tổ quốc.

Sau cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I, tại kỳ họp thứ nhất, ngày 2-3-1946, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các đại biểu đã bầu chí sĩ Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Trên cương vị mới, cụ có những đóng góp quan trọng vào việc ký kết hai bản Hiệp định 6-3 và Tạm ước 14-9-1946, tạm thời hòa hoãn thực dân Pháp, giúp Đảng và Chính phủ có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài. Cụ còn trực tiếp cùng Quốc hội xây dựng Hiến pháp năm 1946, bản hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà nhiều điều đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, cụ Nguyễn Văn Tố cùng Chính phủ lên Việt Bắc hoạt động. Tháng 10-1947, trong một lần giặc Pháp cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn với âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta, cụ bị địch bắt và anh dũng hy sinh. Nói về cụ Nguyễn Văn Tố, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Cụ Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta”. Tại lễ truy điệu vị Bộ trưởng đầu tiên hy sinh trước họng súng quân thù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành những lời trân trọng tri ân sâu sắc về sự hy sinh anh dũng và những cống hiến của cụ cho sự nghiệp cách mạng, cho dân tộc. Ghi nhớ công lao của cụ đối với đất nước, năm 2011, cụ Nguyễn Văn Tố được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao vàng.

Mãi tự hào và học theo tấm gương trong sáng, cao đẹp của cụ Nguyễn Văn Tố

Hà Nội tự hào là quê hương của chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa, liệt sĩ Anh hùng Nguyễn Văn Tố, thành phố đã lấy tên cụ đặt tên cho một con đường thuộc phường Cửa Đông và một trường học - Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố thuộc quận Hoàn Kiếm. Tấm gương sáng về trí tuệ, lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm không lùi bước trước thách thức và hy sinh của cụ Nguyễn Văn Tố là di sản văn hóa tinh thần quý báu. Đảng bộ, nhân dân Thủ đô luôn tự hào, khắc ghi, biết ơn, nguyện học tập và làm theo tấm gương trong sáng, cao đẹp trong công cuộc mở mang văn hóa và kiến thiết nước nhà của cụ.

Trên cơ sở những thành tựu đạt được, phát huy kiến thức về lịch sử, văn hóa dân tộc của chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố cùng những bậc tiền bối cách mạng khác, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội đẩy mạnh thực hiện mục tiêu xây dựng văn hóa Thủ đô tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu cho cả nước về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa.

Phát huy vai trò và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình trong việc xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh. Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật trên nền tảng kế thừa truyền thống nghìn năm văn hiến, phù hợp với bối cảnh văn hóa, con người Thủ đô trong tình hình mới; tập hợp và phát huy tài năng của văn nghệ sĩ cả nước trong các hoạt động văn hóa của Thủ đô. Thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, duy trì hiệu quả việc tuyên dương danh hiệu “Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô” và “Công dân Thủ đô ưu tú”. Từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền và các giai tầng xã hội của thành phố. Ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội.

Những thành tựu đạt được trong hơn bảy thập kỷ qua và đặc biệt sau hơn 30 năm Hà Nội cùng cả nước tiến hành sự nghiệp đổi mới, những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đã tạo nên sức sống mãnh liệt, giúp dân tộc ta vượt qua khó khăn, thử thách, phát triển đi lên, trong đó có công lao đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố và đội ngũ trí thức Việt Nam.

Kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh của Trưởng ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố, nhà chí sĩ yêu nước, nhà văn hóa của Thủ đô và cả nước, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô nguyện tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Đó chính là ý chí, quyết tâm và là hành động cách mạng thiết thực, có ý nghĩa cao đẹp nhất để tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng, liệt sĩ và những đóng góp to lớn của cụ Nguyễn Văn Tố đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của Đảng bộ Thủ đô trong thời kỳ mới.

Ngô Thị Thanh Hằng
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tố - nhà lãnh đạo, nhà văn hóa, học giả uyên bác của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.