Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chi phí trung gian tạo ''chênh'' lớn giữa giá lợn hơi và thịt lợn

Dung – Hiền| 22/10/2021 16:03

(HNMO) - Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh, nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao. Nhiều ý kiến cho rằng, những chi phí trung gian liên quan đến vận chuyển, đóng gói, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch... đã tạo ra sự chênh lệch lớn này.

Lợn hơi giảm mạnh, thịt lợn tại siêu thị vẫn cao

Tại nhiều địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam, giá lợn hơi tiếp tục ghi nhận mức giá giảm từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg và đang dao động trong khoảng 36.000 - 38.000 đồng/kg.

Khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới trong ngày 22-10 tại các trang trại chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá lợn hơi giảm mạnh dao động trong khoảng 36.000 đồng/kg, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. 

Với mức giá thịt lợn hiện nay, không chỉ người chăn nuôi nhỏ lẻ kiệt quệ, mà ngay cả những trang trại, doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi cũng lao đao. Ông Nguyễn Hưng Thỉnh, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) cho biết, trang trại đang nuôi 200 con lợn, mỗi ngày bán ra thị trường 10 con, với giá 34.000 đồng/kg, giảm gần 60% so với cùng kỳ năm trước. Với giá này, trung bình với tổng đàn 200 con, trang trại lỗ gần 100 triệu đồng.

Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Chế biến thực phẩm Nam Hà Nội Võ Việt Dũng chia sẻ, trung bình mỗi ngày, công ty đang lỗ vài chục triệu đồng. Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay thì phải đến 1-2 tháng nữa, khi số lợn quá lứa trong chuồng của người dân được tiêu thụ hết thì giá lợn mới nhích lên được.

Về nguyên nhân khiến giá lợn giảm sâu, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trọng lý giải, thời gian qua, ngành chăn nuôi phải chịu áp lực lớn do chuỗi cung ứng bị đứt gãy vì dịch Covid-19, nên giá lợn hơi giảm mạnh trong 3 - 4 tháng qua. Hiện tại, số lợn quá lứa nhưng chưa xuất được còn khoảng 8 triệu con, tương đương 30% tổng sản lượng.

Trong khi đó, nguồn cung dồi dào, tổng đàn lợn cả nước đã đạt hơn 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn duy trì phát triển tổng đàn lợn thịt đạt trên 6 triệu con).

Ngoài ra, thịt lợn nhập khẩu tăng 257.000 tấn trong 8 tháng của năm 2021, với trị giá đạt hơn 508 triệu USD, tăng 62% về lượng và tăng 84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng đưa ra dự báo nhập khẩu thịt lợn đông lạnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, do các nước xuất khẩu lớn đang dư thừa sản lượng và có giá rẻ hơn so với trước.

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh như: Chợ Kim Liên, chợ Nguyễn Công Trứ, chợ Thành Công..., hiện giá thịt lợn ba chỉ, nạc vai là 100.000 đồng/kg, giảm 30.000 đồng/kg so với trước; mông sấn là 70.000 đồng/kg, giảm 40.000 đồng/kg; sườn thăn trước là 130.000 đồng/kg, nay còn 100.000 đồng/kg…

Mặc dù giá thịt lợn giảm sâu nhưng các tiểu thương cho biết, hàng bán rất chậm. Nguyên nhân do các trường học, bếp ăn, đặc biệt là hệ thống nhà hàng lớn vẫn chưa mở cửa nên kinh doanh gặp khó khăn. Nếu như trước kia bán được 2 con lợn thì nay các tiểu thương chỉ bán được 1 con mỗi ngày.

Trong khi giá thịt lợn ở chợ dân sinh giảm nhiệt, giá thịt lợn tại hệ thống siêu thị vẫn cao. Theo đó, giá thịt lợn xay đặc biệt Meat Deli là 149.900 đồng/kg; ba chỉ là 189.900 đồng/kg; sườn vai 139.900 đồng/kg. Giá thịt lợn vai, mông sấn, ba chỉ ở siêu thị của hệ thống BRG Mart khoảng từ 90.000 đến 197.000 đồng/kg.

Khó kiểm soát khâu trung gian

Chỉ ra nguyên nhân của thực trạng giá thịt lợn thường xuyên cao, bất chấp giá lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định, đó là do thực phẩm này phải qua khá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, cuối cùng mới đến chợ truyền thống và siêu thị bán lẻ.

“Chỉ tạm tính mỗi khâu trung gian hưởng từ 8% đến 10% thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng sẽ cao đến mức nào. Còn một khâu nữa cũng đẩy giá lên đó là khâu bán lẻ. Nếu các siêu thị áp dụng mức chiết khấu từ 20% trở lên với thịt lợn thì sẽ góp phần đẩy giá lên rất cao”, ông Phú phân tích.

Cũng theo ông Vũ Vinh Phú, giữa tình hình dịch bệnh phức tạp, việc kiểm soát giá bán thịt lợn càng khó khăn hơn, trong khi đây lại là thực phẩm thiết yếu nhất với người tiêu dùng. Thêm vào đó, hệ thống chợ đầu mối và sàn giao dịch hàng hóa chưa được hình thành hoàn chỉnh. Vì vậy, vẫn diễn ra việc ép giá, đem lại thua thiệt cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, nhưng lại đem lại lợi nhuận cao vô lý cho các khâu trung gian.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, hiện diện trên quầy kệ hệ thống bán lẻ, thịt lợn cũng phải trải qua nhiều khâu. Mặt khác, nếu ở ngoài chợ dân sinh, thịt lợn sau khi giết mổ có thể đem ra sạp bán ngay, thì ở trong siêu thị còn phải đóng khay, bảo quản mát, kiểm tra vệ sinh an toàn, kiểm dịch, đóng thuế...

Trao đổi về vấn đề này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, giá thịt lợn thành phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Từ lợn hơi qua nhiều khâu vận chuyển, giết mổ, rồi lại qua vận chuyển mới được chuyển đến nơi bán. Nơi bán tính các chi phí ra từng loại thịt (ba chỉ, mông sấn, nạc vai…), mỗi loại 1 giá. Loại ngon, nhu cầu cao thì giá cao hơn để "cõng" cho loại ít bán chạy.

Ngoài ra, trong mùa dịch bệnh, người vận chuyển trong mùa dịch phải xét nghiệm RT-PCR, chi phí này cũng bị tính vào giá thành. Mặt khác, trên thị trường cũng có rất nhiều loại lợn, từ lợn nuôi sinh học, lợn nuôi thường trong dân, lợn nuôi theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt… Vì thế, khi ra thị trường, giá thành cũng khác nhau.

Để ổn định nguồn cung thị trường, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa) cho rằng, các bộ, ngành cần vào cuộc, trước tiên là ổn định lại thị trường, cân đối việc nhập khẩu thịt lợn. Tiếp đến là có các biện pháp giảm thuế nhập khẩu các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Có chính sách hỗ trợ, quản lý về giá nguyên liệu, thức ăn, giá các mặt hàng chăn nuôi, giảm khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021-2022. Đa dạng hóa kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử nhằm giảm áp lực kênh phân phối là siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chi phí trung gian tạo ''chênh'' lớn giữa giá lợn hơi và thịt lợn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.