Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chị Minh của tôi

Nguyễn Đắc Linh| 19/06/2016 08:07

Tôi mới 5 tuổi thì mẹ bắt đầu học cao học. Mẹ thường dặn chị Minh:


- Con gái ơi, trông em Sóc cẩn thận nhé, mẹ đi học đây. Mẹ chào hai chị em nhé.

Ngày ấy, tôi bị viêm mũi, ho, nên rất hay hờn quấy. Biết chị Minh thương mình nên tôi càng được thể bắt nạt chị. Có hôm, tôi đòi chị phải bắt chước tiếng kêu của ba mươi con vật.


- Phải đủ ba mươi, chị nhé! - Tôi xòe cả hai bàn tay ra trước mặt chị Minh rồi nắm lại. Rồi lại xòe ra, nắm lại, xòe ra, đúng ba lần.

Tất nhiên là chị Minh không thể làm nổi.

- Éc éc - con lợn. Gâu gâu - con chó. Meo meo - con mèo. Cục tác con gà mái. Ò... ó... o... con gà trống. Hí... í... í... là con ngựa. Be... e... e... là con dê.

Chị Minh vắt óc suy nghĩ nhưng cũng chỉ thêm được “Cạc cạc là con vịt. Ếch ộp là con ếch. Ầm... ừm là con hổ" rồi tắc tị. Thế là tôi òa khóc. Chị lại dỗ dành nhưng tôi vẫn không chịu nín. Bất chợt, chị reo lên:

- À, Sóc ơi, chị em mình chơi trò cô giáo đi. Hay lắm! Chị là cô giáo này. Sóc là học sinh này. Nào!...

Tôi tò mò lắm. Ngày đó, tôi đã đi học mẫu giáo rồi, đã hiểu là cô giáo thường thuộc rất nhiều truyện cổ tích, biết nhiều trò chơi…

- Chị bé tí thế này thì làm cô giáo làm sao được? - Tôi vừa quệt nước mắt nước mũi vừa nói.

- Được mà! Nào, Sóc vào lớp đi con, vào lớp với cô và các bạn nhé, cho mẹ đi làm - Chị Minh nhập vai ngay lập tức, làm tôi cũng bị cuốn vào trò chơi mới.

Chị dắt tôi ngồi vào ghế rồi đưa cho tôi tập giấy, hộp bút màu và bảo:

- Cô chào các con. Hôm nay cả lớp cùng vẽ gia đình của mình nhé. Nào Sóc, trong nhà của con có những ai nào?

- Con thưa cô, có ba, có mẹ ạ.

- Đúng rồi. Nhà Sóc còn có ai nữa nào? Sóc nói cho cả lớp cùng nghe đi.

Thấy tôi ngơ ngác nhìn quanh xem “cả lớp” là những ai, chị Minh bảo:

- Các con trật tự để nghe bạn Sóc kể nhé. Tuấn, ngồi thẳng lên. Mai, không quay xuống bàn dưới.

Thế là tôi cũng tưởng tượng như mình đang ở lớp mẫu giáo. Tôi kể tiếp:

- Dạ, con thưa cô, nhà con có con và chị Minh nữa ạ.

Trò chơi cô giáo cứ thế tiếp diễn, ngày này qua ngày khác. Thỉnh thoảng, vào những hôm mà ba tôi không bận trực ở bệnh viện thì chị Minh lại có thêm một học sinh nữa và tôi có thêm “bạn ba” ngồi cùng bàn. “Bạn ba” cái gì cũng không biết, cái gì cũng hỏi “cô”, hát thì ồm ồm và múa thì rất buồn cười. Nhưng “bạn ba” rất ngoan, luôn nhường nhịn các bạn trong lớp.

Rồi một hôm, “cô giáo” đang giảng bài thì bị đau đầu dữ dội. “Bạn ba” vội đưa “cô giáo” tới bệnh viện.

Chị Minh của tôi bị u não. Chị nằm viện suốt bốn tháng. Những ngày cuối cùng, trông chị rất mệt. Ba mẹ và tôi toàn quay mặt đi, lén lau nước mắt vì thương chị.

- "Bạn ba", bạn Sóc phải can đảm lên chứ! Không ai được khóc nhè… - Chị Minh nói nhè nhẹ.

Khi ấy, cả tôi và ba cùng mỉm cười trong nước mắt, cùng nắm tay chị và nói:

- Vâng ạ...

- Sóc cho cô bức tranh vẽ gia đình của con nhé. Bức vẽ rất đẹp, cô rất thích - Chị Minh nói - Gia đình con có ai nào?

- Dạ, thưa cô, có bố mẹ, có con và chị Minh ạ.

- Người một nhà thì không được làm cho nhau buồn. Mỗi người vui thì cả nhà mới vui, Sóc nhé!

Đó là những ngày cuối cùng của lớp học đặc biệt ấy. Lớp học tuổi thơ có niềm vui cổ tích, có cả mất mát, buồn đau. Bởi "cô giáo" không bao giờ trở về nữa.

***

Giờ tôi 12 tuổi, đã hiểu biết hơn những ngày còn thơ bé ấy rất nhiều. Biết bao điều tôi đã học được từ trò chơi “cô giáo” của chị Minh ngày ấy, mà tôi vẫn còn nhớ như in cho tới tận bây giờ. Thỉnh thoảng, cả nhà lại nhắc đến trò chơi “cô giáo” của chị. Những lúc ấy, tôi thường dụi đầu vào ngực bố, khe khẽ nói "Bố ơi, con nhớ chị…". Và, bên tai tôi, nhịp tim bố như nhanh hơn, mạnh hơn. Tôi hiểu rằng bố cũng rất nhớ chị, giống như tôi và mẹ vậy. Nhưng bố không u sầu, thường chỉ mỉm cười gật đầu.

Phải rồi, như chị Minh của tôi thường nói: “Người một nhà không làm cho nhau buồn. Mỗi người vui thì cả nhà mới vui…”. Tôi hiểu rằng tôi đang học, đang chơi, đang sống cho cả phần của chị, cho cả những ước mơ của chị…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chị Minh của tôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.