(HNM) - Đó là chị Đoàn Thị Hoa ở thôn Thanh Oai, xã Hữu Hòa (Thanh Trì, Hà Nội). Sinh ra trong một gia đình nông dân, gia cảnh thiếu thốn nên sự học không đến nơi đến chốn. Chị xây dựng gia đình rồi ra ở riêng khi hoàn cảnh rất khó khăn chỉ có vài cái xoong, cái bát và hai yến lúa, con cái còn nhỏ nên vợ chồng chị phải làm đủ nghề để kiếm sống như: làm bánh cốm, bánh gai, nhưng đời sống cũng không khá lên bao nhiêu.
Cuối cùng nhờ được vay vốn và bà con, bè bạn giúp đỡ, vợ chồng chị quyết định lập trại nuôi lợn... Những năm 1993-1995, trong chuồng nhà chị lúc nào cũng có 300-400 con lợn thịt, 4 lợn mẹ và hơn 100 con lợn giống. Được cái "mát tay", nên cứ 3 tháng lại xuất một lứa. Cũng nhờ chăn nuôi mà vợ chồng chị xây được nhà, con cái được học hành đến nơi đến chốn.
Chị cho biết: "Tôi là thành viên Hội phụ nữ, nên thường tham gia làm từ thiện. Có đi mới biết nhiều hoàn cảnh khổ lắm, nhất là những em khuyết tật. Nhiều lúc tôi tự hỏi, “sao mình không tìm một nghề gì cho các em khuyết tật, để các em có thể kiếm sống?". Khi thấy có đủ điều kiện về kinh tế, chị Hoa đem ý nguyện của mình bày tỏ với chồng, lúc đầu anh lo ngại, nhưng khi hiểu được, chồng chị đã rất ủng hộ.
Tháng 8-2007, Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa được thành lập do chị làm giám đốc. Ngay những ngày đầu thành lập, trung tâm đã thu hút 15 em khuyết tật đến học nghề, các em đều rất trẻ, mỗi người một hoàn cảnh nhưng tất cả đều được nuôi dạy nghề miễn phí. Đi vào hoạt động, trung tâm cũng gặp không ít khó khăn. Trung tâm có thể thuê các thầy cô về dạy nhiều nghề khác nhau, nhưng khổ nỗi đều là các em khuyết tật, nên chọn nghề làm sao để phù hợp là một bài toán không hề đơn giản. Ví như, khi làm may, mỗi chiếc quần đùi bán lãi được 500 đồng, trong khi đó mỗi em cả ngày chỉ may được 2-4 cái, nên càng làm càng lỗ. Chị chuyển sang làm hoa nhựa, nhưng giá thành và mẫu mã không thể cạnh tranh được sản phẩm Trung Quốc. Rồi tình cờ một lần đi du lịch ở TP Hồ Chí Minh, chị đã bắt gặp những con giống lưu niệm bằng giấy cuộn, trong lòng chợt nảy ra ý tưởng và khi trở về Hà Nội, chị quyết tìm thầy về trung tâm dạy nghề này cho các em.
Sau 3 năm, đến nay Trung tâm dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa đã có tới 70 em đang học nghề làm hoa giấy, làm "con giống" bằng giấy cuộn và làm các nghề khác, trong đó có 35 em ăn ở bán trú. Trung tâm cũng trả lương, nhiều em đã dư được 500 nghìn - 1 triệu đồng/tháng gửi về cho gia đình.
Chị Hoa tâm sự: "Nỗi khao khát muốn học nghề của các em khiến tôi quên đi mọi mệt mỏi, điều vui nhất là khi sự mặc cảm của nhiều trẻ khuyết tật không còn, công việc giúp các em tự đứng vững bằng chính đôi chân của mình".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.