Theo dõi Báo Hànộimới trên

An toàn thực phẩm trong nông nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực

Nguyễn Thị Thu Hằng| 19/01/2023 19:01

(HNM) - Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát góp phần thúc đẩy sự phục hồi và phát triển của ngành Nông nghiệp thành phố Hà Nội, mặc dù vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song ngành Nông nghiệp Thủ đô vẫn đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Sở NN&PTNT Hà Nội tham quan gian hàng nông sản bán tại hội chợ.

Hiệu quả trên mọi lĩnh vực

Thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển mạnh các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, bảo đảm an toàn thực phẩm với trên 5.000ha sản xuất rau an toàn, 50 mô hình rau, quả áp dụng hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS) với tổng diện tích trên 1.800ha.

Gần 1.700ha diện tích VietGAP trồng trọt, trong đó diện tích rau đạt 429,6ha, diện tích cây ăn quả đạt 446,7ha, diện tích chè đạt 03ha, 181ha VietGAP nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở VietGAP chăn nuôi, gần 100ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 285 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ được duy trì.

Thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm (tăng 18 chuỗi so với năm 2021), trong đó, 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật; đã xây dựng trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như: Gà đồi Ba Vì, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê... 

Thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT, các chi cục thuộc Sở đã tổ chức thẩm định xếp loại 452 lượt cơ sở, trong đó, cơ sở xếp loại A/B chiếm 85%, cơ sở xếp loại C chiếm 12%. Qua đó, đã thực hiện cấp mới 401 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở được đánh giá xếp loại A/B; tiến hành kiểm tra định kỳ 420 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, trong đó 100% cơ sở duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.

Thực hiện Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã xây dựng kế hoạch giám sát chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã tiến hành kiểm tra, giám sát và lấy 1.984 mẫu nông, lâm, thủy sản, trong đó 94% số mẫu bảo đảm an toàn thực phẩm với các chỉ tiêu phân tích. Với những mẫu vi phạm, đã tiến hành cảnh báo nguy cơ, yêu cầu khắc phục và truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân tại các cơ sở có mẫu vi phạm. 

Ngoài ra, các đơn vị của Sở NN&PTNT đã tiến hành lấy mẫu, kiểm tra, giám sát phục vụ công tác chuyên môn. Qua đó, đã lấy 2.856 mẫu tại các cơ sở chuyên doanh, vùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố, hiện chưa phát hiện mẫu vi phạm.

Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn). Qua đó, đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý và duy trì hệ thống quản lý cho trên 3.178 cơ sở (tăng 174 cơ sở so với năm 2021) với trên 12.286 bộ mã truy xuất nguồn gốc trên hệ thống (tăng 1.374 sản phẩm so với năm 2021).

Giải pháp trọng tâm năm 2023

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Sở NN&PTNT đề ra các giải pháp trọng tâm trong công tác bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm năm 2023 như sau: 

Một là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về an toàn thực phẩm. Biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Phát hành các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, kết nối, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.

Hai là thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông, lâm, thủy sản an toàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn... Tăng cường hợp tác các tỉnh, thành phố, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, đặc sản vùng miền phục vụ người tiêu dùng Thủ đô.

Ba là tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. 

Bốn là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Nguyễn Thị Thu Hằng
(Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An toàn thực phẩm trong nông nghiệp: Nhiều chuyển biến tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.