(HNMO) – Sáng nay, 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi. Ngoài 6 ngành, nghề bị cấm trong luật, các tổ chức, cá nhân có thể tự do đầu tư kinh doanh các ngành nghề khác.
Luật đầu tư gồm có 7 chương, 76 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015.
Theo Luật, các hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm gồm: các chất ma túy được quy định; các loại hóa chất, khoáng vật, mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã theo quy định của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp được quy định; mẫu vật các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm Nhóm I có nguồn gốc từ tự nhiên được quy định; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
Như vậy, so với luật cũ, phạm vi ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh đã thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 ngành, nghề.
Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Luật quy định, đó là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; đáp ứng điều kiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư. Các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia. Tổng cộng có 267 ngành, nghề thuộc diện đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư, Luật quy định cụ thể như sau:
Với Quốc hội, trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội theo pháp luật về đầu tư công, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, bao gồm: Nhà máy điện hạt nhân; Chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50 héc ta trở lên; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng, lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500 héc ta trở lên; rừng sản xuất từ 1.000 héc ta trở lên; Sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 héc ta trở lên; Di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác; Dự án có yêu cầu phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
Thủ tướng Chính phủ được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án di dân tái định cư từ 10.000 người trở lên ở miền núi, từ 20.000 người trở lên ở vùng khác; xây dựng và kinh doanh cảng hàng không; vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh cảng biển quốc gia; thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; hoạt động kinh doanh cá cược, đặt cược, casino; sản xuất thuốc lá điếu; phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu chức năng trong khu kinh tế; xây dựng và kinh doanh sân golf; dự án có quy mô vốn đầu tư từ 5.000 tỷ đồng trở lên; dự án của nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng, trồng rừng, xuất bản, báo chí, thành lập tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học và công nghệ 100% vốn nước ngoài.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu hoặc nhận chuyển nhượng; dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; Dự án có sử dụng công nghệ thuộc Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ; Dự án đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt không phải trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư.
Về đầu tư kinh doanh ở nước ngoài, với doanh nghiệp Nhà nước, thẩm quyền quyết định đầu tư phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ hoặc hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài để phục vụ cho hoạt động khảo sát, nghiên cứu, thăm dò thị trường và thực hiện các hoạt động chuẩn bị đầu tư khác theo quy định của Chính phủ.
Ngoài Luật Đầu tư, sáng nay, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.