Theo Bộ Công Thương, trong tháng 11, cả nước đã chi hơn 1,55 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng cần kiểm soát nhập khẩu như: Rau quả, ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, linh kiện phụ tùng ôtô dưới 9 chỗ...
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN) |
Đáng chú ý, trong tháng đã có 500 nghìn tấn phế liệu sắt thép được nhập khẩu về Việt Nam, tương ứng giá trị 180 triệu USD. Như vậy, so với tháng trước, nhập khẩu mặt hàng này đã giảm 9,3% về lượng và 7,1% về giá trị.
Tuy vậy, tính trong 11 tháng, nhóm hàng phế liệu sắt thép nhập về vẫn tăng 17,8% về lượng và tăng 41,9% so với cùng kỳ năm 2017, với số lượng gần 5 triệu tấn, tương ứng 1,76 tỷ USD.
Lý giải việc này, Bộ Công Thương cho rằng, việc tăng nhập khẩu các mặt hàng trong nhóm cần kiểm soát nhập khẩu chủ yếu là để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng cuối năm.
Để kiểm soát mặt hàng này, ngày 6-11-2018, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 41/2018/TT-BCT quy định danh mục phế liệu tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu gồm một số nhóm hàng thuộc các chương 25, 26, 38, 47, 50, 51, 52, 55, 63, 70, 72, 74, 75, 76, 79, 80, 81.
Thông tư không áp dụng đối với trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, thông qua cửa khẩu Việt Nam.
Đối với những lô hàng phế liệu đã làm thủ tục hải quan tạm nhập, chuyển khẩu trước ngày Thông tư này có hiệu lực, được tiếp tục thực hiện tái xuất, chuyển khẩu theo quy định tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và các quy định hiện hành.
Thông tư số 41/2018/TT-BCT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20-12-2018 đến hết ngày 31-12-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.