(HNMCT) - Tới Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), nhắc đến Bảo tàng Thế giới cà phê không ai là không biết. Thật vậy, công trình này là một điểm check-in hút khách suốt thời gian qua trên bản đồ du lịch và truyền thông.
Bảo tàng độc đáo
Bảo tàng Thế giới cà phê khánh thành cuối năm 2018, do một tập đoàn tư nhân trong nước đầu tư, nhanh chóng trở thành cái tên nổi bật không chỉ ở Đắk Lắk mà đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Trong bối cảnh nhiều bảo tàng trong nước rơi vào cảnh đìu hiu thì bảo tàng này đã đem lại sự phấn khích cho du khách khi tới Buôn Ma Thuột.
Với công trình bảo tàng, theo logic thị giác, kiến trúc là một yếu tố quan trọng. Sự lôi cuốn và hấp dẫn của bảo tàng trước hết đến từ hình thức kiến trúc bên ngoài rồi mới đến không gian trưng bày bên trong. Mặc dù có quy mô không quá lớn, rộng 1,09ha, song kiến trúc của Bảo tàng Thế giới cà phê đã làm được điều đó. Công trình là tổ hợp gồm 5 khối uốn cong tự do, được kết nối với nhau qua những “điểm chạm”. Dễ dàng nhận ra dấu ấn bản địa trên hình khối kiến trúc. Đó là hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê Đê và bộ mái vút cao của nhà rông - biểu tượng của kiến trúc Tây Nguyên. Kiến trúc công trình tạo cảm giác nhẹ nhàng, ngẫu hứng nhưng hòa hợp với thiên nhiên. Một phần công trình được “chôn” xuống đất, tạo nên nhiều tầng bậc, dẫn dắt và gợi mở cho người xem khám phá theo từng bước chân.
Bảo tàng Thế giới cà phê là tổ hợp của nhiều không gian, trong đó có các không gian trưng bày, triển lãm, thư viện, hội thảo, nơi thưởng lãm cà phê..., tạo thành nhiều lớp lang, kết nối uyển chuyển trong một không gian lớn là Công viên cà phê. Dù là bảo tàng nhưng công trình thoát khỏi lối mòn của nhiều bảo tàng khác, đó là không gian “chết” trưng bày các hiện vật trong tủ kính. Ở đây, với định hướng là một bảo tàng “sống”, công trình cho phép người xem có đủ trải nghiệm nghe, nhìn, nếm, ngửi, chạm.
Ở không gian quan trọng nhất là trưng bày, khách tham quan có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của cà phê và ngành cà phê, từ việc trồng trọt, chăm sóc, thu hái, bảo quản tới chế biến, pha chế và thưởng thức cà phê. Cũng trong không gian này, khách tham quan cũng được khám phá ba nền văn minh cà phê, đó là nền văn minh cà phê Thiền, Ottoman và Roman. Trong 10.000 hiện vật bảo tàng đang lưu giữ và trưng bày, nhiều hiện vật có niên đại cổ xưa hoặc từ thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX; đặc biệt là những máy nông cụ được sử dụng trong công đoạn chế biến cà phê như máy phân loại, máy rang, xay cà phê... hoàn toàn cơ học.
Không gian văn hóa khác biệt
Bên cạnh không gian trưng bày cố định, Bảo tàng Thế giới cà phê còn liên tục tổ chức các trưng bày chuyên đề và nhiều sự kiện văn hóa theo định hướng bảo tàng “sống”. Trong ba năm đầu hoạt động, bảo tàng đã tổ chức hơn 200 sự kiện văn hóa, trở thành trung tâm văn hóa cộng đồng của Đắk Lắk nói riêng và cả Tây Nguyên nói chung. Các sự kiện tiêu biểu gồm các triển lãm chuyên đề về cà phê và các hoạt động bảo tồn, giới thiệu văn hóa cộng đồng bản địa, thế giới. Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình đào tạo ngắn hạn và dài hạn về kỹ thuật pha chế cà phê trên toàn cầu, từ cơ bản đến chuyên nghiệp.
Với quan niệm cà phê không chỉ là một thứ đồ uống đơn thuần, bảo tàng là nơi trưng bày cổ vật và là không gian văn hóa giúp du khách học hỏi, tiếp cận tinh hoa tri thức. Nhờ đó, nơi đây đã trở thành một trong “17 điểm đến tốt nhất phải đến khi tới Việt Nam”, theo Wanderlust - tạp chí du lịch hàng đầu Anh quốc. Hãng thông tấn AP (Mỹ) cũng đánh giá đây là “Bảo tàng “sống” lớn nhất, sống động và độc đáo nhất”. Bảo tàng Thế giới cà phê cũng góp phần nâng cao vị thế của ngành cà phê Tây Nguyên và Việt Nam lên tầm thế giới.
Mặc dù trong năm 2020 - 2021, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới du lịch toàn cầu và Bảo tàng Thế giới cà phê phải đóng cửa suốt nửa năm, song bảo tàng vẫn đón gần 1 triệu lượt khách. Hầu hết du khách tới bảo tàng đều thích thú với những trải nghiệm ở công trình độc đáo này. Chị Đinh Kim Phượng, du khách từ Hà Nội bày tỏ: “Bảo tàng Thế giới cà phê là một công trình độc đáo với trưng bày thú vị và các không gian đẹp. Bảo tàng cũng cung cấp nhiều thông tin bổ ích mà tôi chưa từng được biết về thế giới cà phê”.
Chị Nguyễn Thị Bình Minh, kiến trúc sư của Ban quản lý dự án cho biết: “Có thể nói, mục tiêu ban đầu của Bảo tàng Thế giới cà phê đã thành công. Công trình này là tiền đề để chúng tôi xây dựng một đô thị mới có tên là “Thành phố cà phê” với quy mô 45ha mà Bảo tàng Thế giới cà phê là trung tâm. Đó sẽ là một không gian sống đặc biệt, nơi con người hòa quyện, gắn bó cùng thiên nhiên và cây cà phê...”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.