(HNM) - Là một trong 5 quốc gia xuất khẩu chè lớn nhất thế giới, song sản phẩm chè Việt Nam vẫn chưa tạo được thương hiệu riêng, giá trị xuất khẩu ngành chè còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, chính việc sản xuất manh mún, chạy theo số lượng, không chú trọng đến chất lượng đã khiến sản phẩm chè Việt Nam lép vế trên thị trường quốc tế.
Người dân thu hái chè tại xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Ảnh: Bá Hoạt |
Giá xuất khẩu thấp nhất thế giới
Bộ NN&PTNT cho biết, 4 tháng đầu năm 2014, cả nước xuất khẩu (XK) khoảng 33.000 tấn chè với giá trị 51 triệu USD, giảm 13,2% về khối lượng và 10,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Điều đáng nói hơn là hiện nay giá chè XK của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trên thế giới.
Tại hội nghị phát triển bền vững ngành chè do Bộ NN&PTNT vừa tổ chức, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở khâu sản xuất chè. Từ nhiều năm nay ngành chè tồn tại nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ, bình quân khoảng 0,2 ha/hộ nên rất khó tiếp cận các thiết bị kỹ thuật mới và chứng nhận chè an toàn. Nhiều cơ sở chế biến được cấp phép xây dựng nhưng không có vùng nguyên liệu; trình độ tay nghề chế biến thấp, chất lượng chè không cao. Đặc biệt, một trong những điểm yếu của ngành chè là cơ cấu sản phẩm chủ yếu là chè đen, cơ cấu chè xanh, chè ô long, chè chất lượng cao còn hạn chế, các doanh nghiệp cũng chưa xây dựng được thương hiệu chè. Ngoài ra, trang thiết bị kỹ thuật ngành chè cũng tồn tại nhiều hạn chế, máy móc cũ, không đồng bộ dẫn tới khả năng chế biến thấp.
Ngoài ra, đa phần các doanh nghiệp sản xuất chè Việt Nam chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Nhiều nhà máy sản xuất chè khi thanh kiểm tra được đánh giá xếp loại C song vẫn được phép vận hành. Do đó, để nâng cao chất lượng chè thành phẩm đối với những nhà máy chất lượng thấp, dưới tiêu chuẩn không nên được cấp phép sản xuất chè tại Việt Nam, đặc biệt là XK.
Hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trung bình mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng 174.900 tấn chè. Hiện sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt tại 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó Đài Loan và Pakistan là hai thị trường nhập khẩu gần như toàn bộ chè từ Việt Nam. Theo định hướng của Bộ NN&PTNT, đến năm 2020, cả nước ổn định diện tích chè khoảng 140 nghìn hécta.
Để nâng cao giá trị ngành chè, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các tỉnh, thành phố có cây chè phát triển phải rà soát và điều chỉnh quy hoạch sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Cần phát triển các giống chè mới có năng suất, chất lượng cao thay thế các giống chè cũ, thúc đẩy phát triển chè bền vững. Ngoài ra, cần đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, gia tăng giá trị trong sản xuất chè. Đặc biệt là cần xóa bỏ tình trạng lạm dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường quản lý các cơ sở chế biến chè và phát triển thị trường.
Ông Flavio Corsin, Giám đốc chương trình Việt Nam của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) của Hà Lan cho rằng, để phát triển bền vững ngành chè Việt Nam, cần thành lập ban điều phối ngành chè dựa trên mô hình ban điều phối ngành cà phê, có sự tham gia của cơ quan quốc gia như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cấp tỉnh, đại diện các địa phương có diện tích chè lớn, trong đó Bộ NN&PTNT phải là cơ quan đầu mối. Ngoài ra, nên xây dựng một hệ thống các biện pháp khuyến khích các nhà máy sẵn sàng áp dụng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn quốc tế đề ra.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu: Trong tháng 5, Cục Trồng trọt phải nghiên cứu, trình đề xuất để Bộ phê duyệt thành lập ban điều phối ngành chè Việt Nam. Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối có trách nhiệm rà soát, báo cáo việc xây dựng, ban hành, thực thi những quy chuẩn liên quan tới yêu cầu về chất lượng, năng lực của các nhà máy chế biến để chấn chỉnh tình trạng sản xuất chè thiếu an toàn như hiện nay. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.