Ngành chè Việt Nam từng được ví như “vàng xanh”, mang lại giá trị cao cho người dân. Thế nhưng, giá chè xuất khẩu của nước ta hiện nay chỉ bằng khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới. Do đó, cần nhân rộng các giống chè mới, áp dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến và chế biến các sản phẩm chè…
Đây là những nội dung được thảo luận trong Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao do Báo Nông nghiệp Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam và Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp miền núi phía Bắc (NOMAFSI) phối hợp tổ chức vào ngày 5-11.
Cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Mạnh cho biết, cây chè là một trong những giống cây nội địa, được phát triển thành cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, với tổng diện tích khoảng 122,4 nghìn héc-ta. Hiện có 31 giống chè được công nhận, là: LDP1, LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên; PH8, PH10, TB14 Hương Bắc Sơn, LCT1, PH276, CNS.831…, trong đó giống chất lượng cao (nguồn gốc Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản) chiếm khoảng 10%. Đến nay, Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, chủ yếu là chè đen và chè xanh.
Tại diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng chế biến và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam Lê Thanh Hòa thông tin, sản phẩm chè khi lưu thông cần bảo đảm các nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm. Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã cấp phép cho hơn 260 thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam để phòng trừ sâu, bệnh đối với cây chè. Nhờ vào chất lượng chè được tăng cao, Việt Nam hiện đứng thứ 5 về xuất khẩu chè và xuất khẩu chè đến hơn 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu là những thị trường trọng điểm, chiếm khoảng 70% về lượng và hơn 70% về trị giá xuất khẩu.
Thái Nguyên là địa phương có sản lượng, diện tích chè dẫn đầu cả nước và đã xây dựng được vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi với quy mô gần 22,5 nghìn héc-ta, sản lượng búp tươi đạt hơn 267,5 nghìn tấn, giá trị sản phẩm trà đạt 12,3 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 5.148ha được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chiếm gần 23% diện tích chè toàn tỉnh. Tỉnh đang thực hiện hướng dẫn, quản lý, giám sát 47 mã vùng trồng chè (25 mã xuất khẩu và 22 mã nội tiêu) được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm và tuân thủ tốt các tiêu chí theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải cho hay, Lai Châu là địa phương có điều kiện tự nhiên và đất đai thuận lợi, trong đó có 7/10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, rất thích hợp trồng chè. Toàn tỉnh hiện có hơn 10.500ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh 8.400ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt hơn 70 tạ/ha. Diện tích chè thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm là hơn 7.000ha, chiếm 67% tổng diện tích. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng các tiêu chuẩn an toàn trong sản xuất; đa dạng về mẫu mã, sản phẩm. Tỉnh Lai Châu cũng ban hành các chính sách, hỗ trợ bà con phát triển ngành chè, như: Hỗ trợ 100% nguồn giống trong 3 năm đầu; chi phí đầu vào và đầu tư 15 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất, chế biến.
Chú trọng phát triển các giống chè mới
Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như “vàng xanh” của đất nước, nhưng giá chè xuất khẩu bình quân của nước ta hiện nay chỉ bằng khoảng 65% so với mức bình quân của thế giới và chỉ bằng 55% giá bình quân của chè xuất khẩu từ Ấn Độ và Sri Lanka. Nguyên nhân chính, do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng. Ngoài ra, còn có khoảng hơn 1 vạn hộ gia đình tham gia sản xuất chè xanh với các thiết bị chế biến thủ công và bán thủ công; năng lực chế biến của các lò thủ công chiếm tới 50% tổng sản lượng chè xanh…
Để thúc đẩy chuyển đổi ngành chè theo hướng an toàn, chất lượng cao, Bộ NN&PTNT sẽ phổ biến rộng rãi bộ giống chè mới và các biện pháp canh tác chè bền vững. Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chè, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc Nguyễn Thị Hồng Lam thông tin, thời gian tới, Viện chú trọng phát triển các giống chè mới, có năng suất cao, chất lượng tốt và khả năng chịu hạn, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Đồng thời, các giống chè mới này cũng được nghiên cứu để có hàm lượng polyphenol cao, phục vụ cho sản xuất chè chất lượng cao và các sản phẩm thực phẩm chức năng. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ sinh học phân tử và hóa sinh chè để cải thiện khả năng chống chịu sâu bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng của giống chè.
Còn theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Mạnh, để phát triển vùng sản xuất và nâng cao chất lượng chè, cần chú trọng xây dựng vùng chè an toàn, kết hợp với cơ cấu giống phù hợp, định hướng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và quy hoạch các nhà máy chế biến. Liên kết các vùng chè đặc sản với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và phát triển du lịch; nâng cao năng lực chế biến. Đặc biệt, cần đầu tư công nghệ hiện đại, ứng dụng quy trình kỹ thuật phù hợp với từng loại đất, phát triển các sản phẩm chè đa dạng, như: Chè Oolong, matcha và nước uống đóng chai từ chè. Ngoài ra, cần đẩy mạnh thương mại điện tử và ứng dụng các công cụ kinh tế số và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, như: CPTPP, EVFTA..., giúp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, từ đó nâng cao giá trị ngành chè…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.