(HNMO) - Năm 2000, một năm sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố Vì hòa bình”, cuộc chạy vì hòa bình của lãnh đạo thành phố và đại sứ các nước lần đầu tiên được tiến hành tại Thủ đô. Từ Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 28 (năm 2001) đến giải chạy lần thứ 45 (năm 2018), đã 18 lần bản thông điệp “Vì hòa bình” vọng vang dưới trời thu Hà Nội, 18 lá cờ hòa bình được trân trọng gìn giữ. Vì hòa bình trở thành mục tiêu cao thượng của hàng ngàn vận động viên trong và ngoài nước trên đường chạy xung quanh hồ Hoàn Kiếm lịch sử.
Cuộc "se duyên" lịch sử
Bà Trần Thị Phương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội vẫn còn nhớ cuối năm 1999, đầu năm 2000, Liên hiệp “xắn tay” tổ chức nhiều hoạt động để nhân lên giá trị cao quý của giải thưởng “Thành phố Vì hòa bình” mà Hà Nội vừa được UNESCO trao tặng. Liên hiệp đã mời gọi và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của hàng trăm vị đại sứ, tham tán, bạn bè quốc tế đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội tham gia hoạt động đi bộ vì hòa bình. Đây là cơ hội tuyệt vời để bạn bè quốc tế thêm yêu mến, gắn bó và cảm nhận rõ hơn về những công dân Thủ đô thân thiện, mến khách, về một thành phố yên bình đang trong quá trình vận động phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở một hoạt động đi bộ đơn thuần, quy mô nhỏ là chưa đủ...
Trước thời điểm này 27 năm, hưởng ứng phong trào "Sức vai ngàn cân, đôi chân vạn dặm, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Giải chạy Báo Hànộimới đã ra đời theo sáng kiến của Báo Hànộimới và Sở Thể dục thể thao Hà Nội (nay là Sở Văn hóa và Thể thao). Từ những ngày đầu, giải đã tập hợp được đông đảo quần chúng, đặc biệt là tầng lớp thanh niên tham gia. Qua thời gian, giải chạy mang tên Hànộimới từng bước “ăn sâu bén rễ”, trở thành phần không thể thiếu, đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể, nâng cao sức khoẻ của người dân Thủ đô. Bước sang năm 2000, giải chạy lần thứ 27 được thành phố đặc biệt coi trọng khi là một trong những hoạt động kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà báo Cù Xuân Trường (Trưởng ban Nông nghiệp - Nông thôn, Báo Hànộimới), ngày ấy còn là phóng viên trẻ Ban Văn hóa - Xã hội với bút danh “Đăng Bảo” lăn lộn “bám” giải để đưa tin, còn nhớ, Ban Chỉ đạo Giải chạy đã mời các đoàn vận động viên từ thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Ninh, Hà Tây (cũ) và các ngành công an, quân đội tham gia cuộc thi chung kết cùng các vận động viên Hà Nội.
Và vào đúng thời điểm đó, ý tưởng lớn từ những người luôn suy nghĩ, trăn trở vì sự phát triển của Thủ đô gặp nhau. Giải chạy của Báo Hànộimới và hoạt động đi bộ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội hòa làm một. Từ cuộc "se duyên" lịch sử này, giải chạy của Báo có thêm vận động viên là người nước ngoài đang công tác, học tập trên địa bàn Thủ đô. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội được bổ sung là Ủy viên thứ 14 của Ban Chỉ đạo Giải cấp thành phố. Thay vì tham gia hoạt động đi bộ với quy mô nhỏ, các vị đại sứ, tham tán và người nước ngoài sinh sống trên địa bàn thành phố Hà Nội được quy tụ ở một sân chơi giàu truyền thống, cách thức chuyên nghiệp và quy mô lớn nhất Thủ đô. Ý nghĩa to lớn của giải chạy thôi thúc mọi vận động viên, cả nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp, từ trong và ngoài nước đều hăng say luyện tập để đạt thành tích cao.
Vậy là ngay sau khi Hà Nội được công nhận là “Thành phố Vì hòa bình”, một cuộc chạy vì hòa bình với sự tham gia của lãnh đạo thành phố và đại sứ các nước lần đầu tiên được tiến hành, đã, đang trở thành nét đẹp truyền thống bên cạnh các nội dung thi đấu.
Tinh thần vì hòa bình tiếp bước mỗi đường chạy
Thứ sáu, ngày 12-10-2001, hai ngày trước khi vòng chung kết diễn ra, trên trang “Thông tin quảng cáo”, Báo Hànộimới dành trọn một góc trên để quảng bá những thông tin về “Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 28”. Ba chữ “Vì hòa bình” được nhấn mạnh trong tên của giải bằng lối thiết kế in đậm. Cũng từ thời điểm lịch sử này, giải chạy có tên gọi chính thức là “Giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình”.
Để mở rộng ảnh hưởng của giải và tạo điều kiện cho vận động viên Thủ đô có dịp cọ xát, nâng cao chất lượng chuyên môn, Ban tổ chức đã mời đại diện 10 tỉnh, thành phố, ngành tham dự, trong đó có các trung tâm điển hình điền kinh mạnh như thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tây (cũ), Quảng Ninh và lực lượng vận động viên quân đội, công an...
Số vận động viên nước ngoài đăng ký thi đấu lên tới gần 200 người. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, ngoài phần chạy hưởng ứng như những năm trước, Ban Chỉ đạo Giải tổ chức lấy chữ ký phản đối chiến tranh và lãnh đạo thành phố đọc Thông điệp hòa bình gửi tới nhân loại. Đây cũng là ý nguyện của người dân Hà Nội, từng chịu nhiều mất mát trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước để xây dựng một Thăng Long - Hà Nội văn hiến ngàn đời trong hòa bình, thịnh vượng.
Nhà báo Cù Xuân Trường nhớ lại, đúng 7h sáng 14-10-2001, lễ khai mạc “Giải chạy Báo Hànộimới lần thứ 28 - Vì hòa bình” diễn ra với nhiều nghi thức trang trọng và những cảm xúc khác với những lần trước đó. Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Triệu biểu dương và ghi nhận Giải chạy Báo Hànộimới là một phong trào thể thao quần chúng đã phát triển rộng rãi, mang tính truyền thống và có nhiều ý nghĩa.
Tiếp theo, ông Vũ Mạnh Kha, Phó Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Hà Nội đã đọc Thông điệp hòa bình, nêu lên ý nguyện của người Hà Nội vì một nền hòa bình thịnh vượng. Các đồng chí lãnh đạo trung ương, Hà Nội, các vị đại sứ, tham tán và các đại biểu đã cùng ký Cờ hòa bình. Đây là hai nghi thức lần đầu tiên xuất hiện tại vòng chung kết Giải chạy Báo Hànộimới, nhân lên ý nghĩa và giá trị mà giải thưởng của UNESCO đã mang lại cho Hà Nội.
Để rồi, những năm sau đó, đã thành thông lệ, cứ vào những ngày đầu tháng 10, bên hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, hàng chục ngàn người Việt Nam và bạn vè quốc tế cùng nắm chặt tay nhau, cùng chung tiếng nói, cùng gửi đi bức thông điệp cầu nguyện hòa bình trên toàn thế giới. Thông điệp mỗi năm mỗi khác song đều có điểm chung là cực lực lên án chiến tranh phi nghĩa, gây đau thương, mất mát cho nhân loại; nguyện làm hết sức mình để bảo vệ nền hòa bình trường tồn. Tất cả cùng khẳng định hòa bình luôn là nền tảng vững chắc để xã hội, con người phát triển phồn vinh, thịnh vượng cùng hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Nguyện ước ấy vang lên giữa trời thu Hà Nội vẫn chưa vơi ý nghĩa khi nhiều khu vực trên thế giới còn tiềm ẩn bất ổn, hòa bình vẫn là khát khao hướng tới của toàn nhân loại.
Những lá cờ mang thông điệp hòa bình được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Hà Nội trân trọng bảo quản và giữ gìn như những minh chứng sống động về tinh thần yêu chuộng hòa bình, khát khao hướng tới sự phát triển ổn định của người dân Hà Nội, của nhân dân Việt Nam và cả bạn bè thế giới.
Vì sao cứ mỗi năm, lực lượng tham dự giải, trong đó có người nước ngoài, các đại sứ, các tổ chức quốc tế, học sinh, sinh viên các nước đang học tập và làm việc trên địa bàn Thủ đô lại ngày một đông hơn? - Trả lời câu hỏi này, trong một lần trao đổi với phóng viên Hànộimới, nguyên Tổng Biên tập Báo Nguyễn Xuân Trình khẳng định đó là bởi âm hưởng về một cuộc chạy vì hòa bình ngay giữa khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội, giữa cờ hoa rực rỡ dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 đã vang rất xa.
Và rằng, khát vọng hòa bình luôn luôn là mục tiêu chung mà cả nhân loại hướng tới, nên mọi người sẵn sàng hưởng ứng. Những hoạt động ý nghĩa như chạy hưởng ứng vì hòa bình, ký cờ hòa bình gửi đến Liên hợp quốc, đọc Thông điệp hòa bình... được truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam có giá trị rất lớn trong bối cảnh thế giới hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.