(HNM) - Tính đến hết tháng 11-2019, vốn đầu tư công của thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới giải ngân đạt 55%. Thành phố đang “chạy nước rút” nhằm bảo đảm mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 90% trong năm 2019, đồng thời có giải pháp để tăng giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Hồ Chí Minh lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ (giai đoạn 2) có tổng vốn đầu tư trên 11.281 tỷ đồng, được triển khai theo hình thức cuốn chiếu.
Tuy nhiên, hiện tiến độ dự án rất chậm do ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (chủ đầu tư) cho biết, dự án phải lùi thời gian hoàn thành.
Trong khi đó, dự án Vệ sinh môi trường thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2) có gói thầu dự kiến năm 2024 mới hoàn thành, chậm 4 năm so với kế hoạch. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (chủ đầu tư) cho biết, vì chậm giải ngân nên có thời điểm chủ đầu tư thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu thi công, khiến tiến độ dự án trong năm 2019 không đạt yêu cầu.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh, kế hoạch đầu tư công của thành phố năm 2019 gần 27.410 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 11-2019, tỷ lệ giải ngân của các dự án đầu tư công chỉ đạt khoảng 55%.
Cụ thể, tổng số vốn cân đối ngân sách thành phố chỉ mới giải ngân 13.363 tỷ đồng, đạt 58,9% kế hoạch; tổng số vốn ngân sách trung ương bổ sung chỉ giải ngân được 1.316 tỷ đồng, đạt 66,9% kế hoạch; tổng vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương mới giải ngân hơn 468 tỷ đồng, đạt 46,8% kế hoạch. Đáng chú ý, tổng số vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ mới giải ngân 18,5 tỷ đồng, chỉ đạt 1,3% kế hoạch.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngoài khó khăn trong giải phóng mặt bằng, công tác giải ngân vốn đầu tư công chậm có nguyên nhân đến từ việc chủ đầu tư không chủ động đề xuất bố trí vốn cho từng dự án; thủ tục quyết toán vẫn chưa được quan tâm đầy đủ.
Ông Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có tình trạng dự án chậm tiến độ nên phải trả lại vốn, dẫn đến nghịch lý chỗ thiếu vốn, chỗ thừa vốn.
Ông Trần Quang Thắng đề nghị các ngành chức năng phải phối hợp chặt chẽ để khơi thông dòng vốn đầu tư công, đồng thời đề xuất Trung ương có tỷ lệ điều tiết vốn phù hợp nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về vốn cho các dự án hạ tầng trọng điểm.
Để đạt mục tiêu giải ngân 90% vốn đầu tư công năm 2019, bà Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được. Thông thường, gần cuối năm chủ đầu tư các dự án sẽ tiến hành thủ tục thanh, quyết toán nên tỷ lệ giải ngân sẽ tăng cao. Để thúc đẩy giải ngân, thành phố sẽ ưu tiên bố trí vốn cho các dự án khởi công mới đã có đủ thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công; đẩy mạnh vốn phân cấp cho UBND quận, huyện quản lý.
Trong khi đó, hiện dự án Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đã được phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư nên dự kiến hết năm 2019, kế hoạch giải ngân vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ sẽ đạt 90% kế hoạch.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho hay, tổng chi đầu tư phát triển thành phố năm 2020 bằng nguồn vốn đầu tư công là hơn 36.100 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố hơn 33.900 tỷ đồng. UBND thành phố đã xây dựng quy trình đầu tư công.
Theo đó, trước khi đưa vào danh mục đầu tư công, dự án sẽ được các đơn vị liên quan rà soát, lấy ý kiến, thảo luận... từ khâu xác định đến tổng thể dự án nhằm chọn ra dự án thật sự cần thiết để ưu tiên bố trí vốn. Đồng thời, dự án nào triển khai nhanh sẽ được tăng cường bố trí vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.