(HNM) - Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU (Chương trình 02) của Thành ủy về
Mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại huyện Thanh Trì. Ảnh: Thái Hiền |
Gấp rút hoàn thành chỉ tiêu
Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, trong năm nay, tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phấn đấu đạt từ 3,5 đến 4%; giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt 238 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 38 triệu/người/năm... Năm 2017, thành phố phấn đấu có thêm ít nhất 22 xã và 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hiện tại huyện Thanh Trì được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (trước đó hai huyện Đan Phượng và Đông Anh đã được công nhận đạt chuẩn); huyện Hoài Đức đã được Hội đồng Thẩm định trung ương họp xét công nhận đủ điều kiện và đang trình Chính phủ công nhận.
Để thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy đã đề ra những giải pháp thực hiện cụ thể đối với từng tiêu chí, từng lĩnh vực. Kết thúc 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm ngành nông, lâm, thủy sản tăng 2,25%; tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 18.631 tỷ đồng (giá so sánh), tăng 2,85% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy vậy, do giá cả sản phẩm chăn nuôi thấp, giá thịt lợn giảm mạnh ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp; việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất còn hạn chế...
Trong số 131/386 xã của thành phố chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 93 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí; 38 xã đạt và cơ bản đạt từ 10 đến 14 tiêu chí; không còn xã nào đạt dưới 10 tiêu chí. Hiện, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 các huyện, thị xã chỉ đạo các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017 tập trung quyết liệt tổ chức thực hiện những tiêu chí còn chưa đạt, cơ bản đạt để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ xét, công nhận vào cuối năm 2017.
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Cùng với mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2017, Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đặc biệt quan tâm đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chương trình 02 (tháng 1-2017), Ban Chỉ đạo đã yêu cầu sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ít nhất mỗi huyện có một điểm hoặc mô hình ứng dụng công nghệ cao.
Kết thúc quý II-2017, thống kê tại các huyện, thị xã cho thấy, có 37 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thì đến tháng 9-2017, tổng hợp báo cáo của các huyện, thị xã, toàn thành phố đã có 54 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như: Huyện Đông Anh và Sóc Sơn, mỗi huyện có 8 mô hình; huyện Thanh Oai có 7 mô hình, Thanh Trì 6 mô hình, Quốc Oai 5 mô hình, Đan Phượng 3 mô hình, các huyện Ba Vì, Hoài Đức, Gia Lâm, Thạch Thất, mỗi địa phương có 2 mô hình...
Trên địa bàn thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn có giá trị kinh tế cao. Mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm được hình thành, trên cơ sở đó xây dựng thương hiệu sản phẩm có chất lượng, đáp ứng cơ bản yêu cầu của nhân dân như: Chuỗi rau an toàn của Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ); chuỗi sản xuất và tiêu thụ gà đồi, rau hữu cơ, hoa nhài (huyện Sóc Sơn); chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao (huyện Ứng Hòa); sản xuất và tiêu thụ chè an toàn (huyện Ba Vì)..., góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Đáng nói, cơ cấu nông nghiệp Hà Nội chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ. Cụ thể, lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 40,2%; chăn nuôi, thủy sản chiếm 56,7%; dịch vụ chiếm 3,0%. Giá trị sản phẩm nông nghiệp thu hoạch trên 1ha đất nông nghiệp đạt 239 triệu đồng/ ha, tăng hơn 1 triệu đồng/ha so với mục tiêu đề ra.
Với những kết quả đạt được, đến thời điểm hiện nay, nhiều chỉ tiêu Ban Chỉ đạo Chương trình 02 Thành ủy đặt ra đã và đang "cán đích".
Từ năm 2016 đến nay, TP Hà Nội đã huy động được hơn 15.615 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới, trong đó: Nguồn vốn ngân sách thành phố hơn 7.391 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện 6.373 tỷ đồng; ngân sách xã 455,7 tỷ đồng; vốn huy động ngoài ngân sách hơn 1.394 tỷ đồng... Nguồn kinh phí này đã đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn và tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.