(HNM) - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã chiếm lĩnh 50% tổng sản lượng cà phê của Việt Nam, tương đương 600.000 tấn mỗi năm. Điều đó đồng nghĩa với việc các DN FDI đang thống lĩnh thị trường nguyên liệu cà phê xuất khẩu tại Việt Nam.
DN nước ngoài đang hưởng lợi
Nghịch lý là trong khi Nhà nước, các DN cà phê trong nước đầu tư hàng chục tỷ đồng để phát triển vùng chuyên canh cà phê để tạo vùng nguyên liệu cho DN trong nước, nâng cao thu nhập cho nông dân thì đến nay nguồn lợi nhuận đó đang rơi vào túi các DN nước ngoài. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Intimex (TP HCM) cho biết, một nửa sản lượng cà phê của Việt Nam đã rơi vào tay DN FDI. Điều này cho thấy, tốc độ phát triển, khả năng chiếm lĩnh vùng nguyên liệu của các DN này trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê rất mạnh. Riêng tại tỉnh Đắc Lắc, trong niên vụ 2010 - 2011, các DN này đã thu mua khoảng 200.000 tấn cà phê, chiếm 50% tổng sản lượng cà phê của cả tỉnh. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các DN FDI đang hưởng lợi hàng chục nghìn tỷ đồng từ các vùng nguyên liệu cà phê xuất khẩu do ngân sách nhà nước và các DN Việt Nam đầu tư, xây dựng.
Thu hoạch cà phê tại tỉnh Đắc Lắc.
Một trong những nguyên nhân khiến DN xuất khẩu cà phê trong nước thua ngay trên sân nhà là do thiếu vốn và chịu lãi suất cao gấp 4-5 lần so với lãi suất mà DN nước ngoài được vay. Động thái mới đây của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) khi quyết định thành lập Quỹ Bảo hiểm ngành hàng cà phê, trong đó dự kiến dành tới 50-70% cho chương trình tái canh cà phê nhằm nâng cao chất lượng cà phê Việt, tạo vùng nguyên liệu bền vững đang gặp phải sự phản đối của không ít DN. Điều các DN Việt Nam lo ngại là lợi nhuận từ phần tiền do họ trích ra để tái canh cà phê sẽ rơi vào tay các DN FDI.
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa nhận định: Về nguyên tắc, các DN nước ngoài không bỏ vốn đầu tư mà vẫn được thu mua, hưởng lợi trên vùng nguyên liệu là không hợp lý, thiệt thòi cho các DN trong nước. Thực tế là chúng ta đang làm cho người khác hưởng và Nhà nước cũng mất một nguồn thu lớn từ nghịch lý này trên thị trường cà phê.
DN tự bảo vệ mình
Trước thực tế các DN FDI chiếm lĩnh việc thu mua nguyên liệu muốn giành lại thị trường, ngành cà phê cần tập trung khắc phục điểm yếu về vốn, phương thức thu mua tạm trữ cà phê và phát triển vùng nguyên liệu. Đại diện các tỉnh Tây Nguyên và các DN trong nước kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ DN trong nước như ưu đãi lãi suất cũng như điều kiện tiếp cận vốn, đưa chế biến cà phê tinh (rang xay, hòa tan...) vào danh mục đặc biệt ưu đãi để các DN trong nước chiếm lĩnh phần thị trường lợi nhuận này. Điều cấp thiết hơn nữa là tập huấn chuyên sâu cho DN trong nước về kỹ năng quản lý, phát triển thị trường, kinh doanh quốc tế.
Ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định: Sự xuất hiện của các DN FDI có vốn đầu tư nước ngoài sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, người trồng cà phê sẽ được hưởng lợi về giá. Đây cũng là động lực để các DN trong nước học hỏi kinh nghiệm, nâng cao năng lực hoạt động, học hỏi các kinh nghiệm về quản lý và mở rộng thị trường. Nhưng với những lợi thế vượt trội, các DN FDI đang đẩy nhiều DN trong nước vào tình thế phá sản, độc chiếm vùng nguyên liệu, vì vậy cần giám sát chặt chẽ, có biện pháp phù hợp để tránh thiệt hại cho DN trong nước.
Hiện Bộ NN&PTNT đang triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng và hình thành vùng nguyên liệu cà phê bền vững cho các DN trong nước. Trong đó việc quy hoạch vùng và xây dựng chương trình tái canh nhằm ổn định sản lượng được xác định làm trước. Theo Bộ NN&PTNT, nếu chương trình tái canh trên 135.000ha cà phê không đem lại hiệu quả, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ giảm sút trên 30% trong vài năm tới. Để làm được điều này, không chỉ cần số vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng mà còn phải giải quyết nhiều vấn đề về kỹ thuật, quy trình tái canh, các chính sách hỗ trợ nhân giống và kiểm soát chặt việc sản xuất - kinh doanh giống cà phê tại địa phương. Bên cạnh đó là sự cố gắng tự hoàn thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế của các DN trong nước thì mới từng bước giải quyết được tình trạng "thua trên sân nhà".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.