Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạy lũ lịch sử ở Bangkok

Vân Khanh| 26/10/2011 06:39

(HNM) - Nhiều giao lộ ở Bangkok đã biến mất trong dòng nước lũ. Người dân vội rời khỏi ngôi nhà đã ngập bằng bất kỳ thứ gì có thể nổi trên mặt nước để đến nơi cao hơn...

Cuộc chạy lũ tại trái tim xứ Chùa Vàng đang diễn ra khi Chính phủ Thái Lan buộc phải để nước tràn vào 7 quận Bắc và Đông bắc thủ đô Bangkok để giảm bớt sức mạnh của dòng chảy với hy vọng cứu trung tâm của thủ đô khỏi ngập.

Nước đã tấn công nhiều khu vực tại thủ đô Bangkok.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp và nhanh chóng của trận lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua tại Thái Lan khiến người dân Bangkok lo ngại thành phố 12 triệu dân của họ khó tránh được con nước dữ. Sân bay quốc tế Don Mueang, nơi đặt trung tâm cứu trợ và chỉ huy chiến dịch chống lũ lụt dù chưa bị nước san phẳng, song mọi con đường vào một trong những sân bay lớn nhất khu vực đã bị nước bao vây với độ sâu 1m. 24 giờ qua, cư dân của 5 khu vực khác tại thủ đô Thái Lan đã nhận được lệnh phải tới nơi an toàn và các trung tâm sơ tán ngay và dòng Chao Phraya đang đứng trước nguy cơ bị nước lũ tràn bờ.

Trái với khẳng định Bangkok sẽ an toàn được đưa ra cách đây vài ngày, nhà chức trách Thái Lan đã phải thừa nhận thành phố du lịch của thế giới đang đối mặt với nguy cơ bị lũ nhấn chìm khi hàng tỷ mét khối nước đang ồ ạt từ thượng nguồn đổ về. Cộng với triều cường dâng cao trong những ngày tới, không chỉ vùng phụ cận bị chìm trong nước, việc bảo vệ trung tâm Bangkok sẽ vô cùng nan giải. Mọi nỗ lực của Thủ tướng Yingluck Shinawatra lúc này là tập trung kiểm soát mức nước và giảm tốc độ của dòng lũ bằng hệ thống đê, đập hiện có. Hàng nghìn tình nguyện viên và người dân Bangkok đang lao vào đắp đê chắn lũ bằng các bao cát trong khi máy bay trực thăng thường xuyên túc trực trên không để bảo đảm rằng sông Chao Phraya vẫn còn đủ sức chứa dòng nước khổng lồ. Chính quyền Bangkok hy vọng quyết định chia lũ về phía Đông và phía Tây thành phố qua các con kênh đổ ra biển sẽ giữ nội đô của trung tâm kinh tế, chính trị Thái Lan khỏi sự tàn phá của cơn lũ lịch sử.

Mặc dù đây là nhiệm vụ sống còn trong thời điểm hiện nay với Chính phủ của bà Yingluck nhưng chưa ai dám chắc được điều gì vì phải mất từ 4 đến 6 tuần nữa, dòng nước đang tìm cách tiến sâu vào nội đô Bangkok mới có thể rút ra Vịnh Thái Lan trong điều kiện hệ thống thủy lợi tại thành phố thực chất chỉ được thiết kế để phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, không phải để chống lũ.

Như vậy, từ hôm nay cho đến lúc đó, cuộc sơ tán của hàng triệu người dân Bangkok đang diễn ra khiến cảnh báo về nguy cơ bất ổn xã hội tại xứ Chùa Vàng đang dần hiện hữu. Khi nước lũ vẫn bao phủ phần lớn lãnh thổ Thái Lan, cướp đi sinh mạng của 356 người và tác động trực tiếp tới gần 9 triệu người thì những kế hoạch tái thiết khổng lồ vẫn đang chờ đợi tân Chính phủ Thái Lan.

Hậu quả nặng nề với nền kinh tế mà trận lũ để lại đang đặt nội các của bà Yingluck vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài bị bất ngờ trước dự báo thiếu tin cậy về đường đi của nước lũ khiến họ không kịp trở tay mà ngay các thành viên đảng Pue Thai cầm quyền cũng tỏ ra không hài lòng cách đối phó với giặc nước của Chính phủ. Cuộc khảo sát trong lũ lụt cho thấy đa số người dân Thái Lan không tin tưởng vào nhà chức trách về khả năng ứng phó với trận lũ đang diễn ra. Trận hồng thủy mang tên Bangkok đã xuất hiện và bắt đầu gây rạn nứt niềm tin của người dân với nội các mới.

Đã có nhiều câu hỏi đặt ra để tìm hiểu lý do khiến một đất nước có hệ thống kênh rạch chằng chịt như Thái Lan lại gần như bất lực nhìn nước cuốn trôi hàng triệu hécta lúa, hoa màu, phá hủy hàng loạt cầu cống, đường sá... Rõ ràng, ngoài nguyên nhân mưa lớn như một hệ quả tất yếu của tình trạng biến đổi khí hậu thì con người là không hoàn toàn vô can. Sự biến mất của phần lớn trong số 1.200 kênh đào tồn tại từ thế kỷ XIX với vai trò thoát nước tự nhiên và thay vào đó bằng đường sá, các tòa nhà chọc trời, nhà máy tại thủ đô Bangkok... đã khiến người dân nơi đây phải trả giá trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.

Bangkok - một thành phố bị ngập nước và đang phải chạy lũ là bài học quy hoạch đáng giá không chỉ tại Thái Lan mà còn cảnh báo trước khu vực và thế giới về sự cân bằng cần thiết giữa xu thế đô thị hóa và phát triển bền vững nhằm bảo vệ cuộc sống con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chạy lũ lịch sử ở Bangkok

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.