(HNM) - Dịp Tết Quý Tỵ 2013, cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ khá dài (9 ngày liên tục). Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên nhiều đơn vị đã làm việc liên tục không nghỉ, một số đơn vị, DN khác bắt tay vào lao động, sản xuất ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới Quý Tỵ 2013.
Tại công trường xây dựng cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, ngay ngày mùng 1 Tết Quý Tỵ đã có hơn 100 kỹ sư, công nhân làm việc 3 ca liên tục để khoan các cọc móng trụ cầu V1, V2 và V3. Đây là các hạng mục phải ưu tiên làm trước, do đó đơn vị thi công tranh thủ những ngày nghỉ Tết để quây đường, khoan cọc không làm ảnh hưởng tới việc lưu thông của phương tiện trên tuyến. Công việc của họ đúng là phải chạy đua với thời gian bởi ít ngày nữa, khi kết thúc dịp nghỉ Tết, mọi hoạt động trở lại bình thường thì mật độ phương tiện tham gia giao thông cao, rất khó thực hiện các phần việc.
Ngày mùng 2 và mùng 3 Tết, Bộ trưởng GTVT đã trực tiếp kiểm tra tiến độ thi công các gói thầu của những công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên. Bên cạnh nhiều hạng mục đang được khẩn trương thi công và thực hiện theo đúng tiến độ thì có những gói thầu không bảo đảm về thời gian, điển hình là gói thầu số 5, dài hơn 30km thuộc địa phận tỉnh Yên Bái nằm trong công trình đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Bộ trưởng GTVT khẳng định, sẽ thay thế nhà thầu nếu tiến độ không đúng theo kế hoạch và tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai dứt khoát phải thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2013. Như vậy, nếu không muốn bị thay thế, các nhà thầu chắc chắn phải chạy đua với thời gian, tập trung máy móc, nhân lực làm tăng ca, tăng kíp… Điều đó là cần thiết khi mùa mưa đang tới sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các dự án về hạ tầng giao thông. Và đặc biệt, một dự án đường cao tốc dài tới 250km không thể vì tiến độ của một gói thầu mà ảnh hưởng tới toàn tuyến. Trong khi đó, tiền thực hiện dự án là tiền vay, công trình chậm đưa vào sử dụng ngày nào là phải "cõng thêm" lãi ngày đó…
Nhìn lại, năm 2012 là năm đặc biệt khó khăn về vốn đối với công tác xây dựng cơ bản (không chỉ riêng với các công trình hạ tầng giao thông). Nguyên nhân là do chính sách cắt giảm, thắt chặt đầu tư công dẫn đến nhiều dự án tiếp tục bị dừng, giãn, hoãn tiến độ… tình trạng thiếu vốn, nợ đọng vốn kéo dài. Các nhà thầu phải đối mặt với nỗi lo thiếu việc làm, suy giảm sản lượng và nợ lương, nợ bảo hiểm của người lao động. Còn các chủ đầu tư thì thiếu dự án, kết quả giải ngân thấp… Năm 2013 được dự báo nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, do đó vấn đề về vốn đầu tư cho các dự án vẫn hết sức căng thẳng.
Trong bối cảnh đó, việc rà soát, cân nhắc và bố trí được vốn đầu tư cho những dự án trọng điểm là không đơn giản. Ở một khía cạnh khác, có thể thấy các đơn vị trúng thầu được xem là may mắn khi không ít DN hiện nay đang trong tình trạng thiếu việc làm. Vì vậy, việc bảo đảm đúng tiến độ theo kế hoạch cũng như bảo đảm chất lượng công trình để nhanh chóng đưa các công trình trọng điểm vào sử dụng là cần thiết và đó cũng chính là thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh việc các đơn vị, DN tự chấn chỉnh, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, các cơ quan chủ quản, lực lượng chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để có thể ngăn ngừa triệt để các yếu tố ảnh hưởng xấu đến tiến độ, chất lượng công trình, kiên quyết xử lý đối với cá nhân, tổ chức có vi phạm; đồng thời chủ động, tích cực tháo gỡ, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện những dự án trọng tâm, trọng điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.