Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạy đua với thời gian

Quỳnh Chi| 16/03/2011 06:33

(HNM) - Không dừng ở thiệt hại về người và vật chất, trận động đất mạnh tới 9 độ richter gây sóng thần ở Nhật Bản đang ngày càng làm gia tăng các mối lo ngại.

* Nổ lò phản ứng hạt nhân số 2 và 4 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1; đã sơ tán được 70.000 người dân
* ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản khẩn trương đưa công dân Việt Nam ra khỏi khu vực nguy hiểm
* 18.000 lao động và tu nghiệp sinh Việt Nam tại Nhật Bản an toàn
* Bác bỏ tin đồn “mây phóng xạ, mưa axit” tại Việt Nam


(HNM) - Không dừng ở thiệt hại về người và vật chất, trận động đất mạnh tới 9 độ richter gây sóng thần ở Nhật Bản đang ngày càng làm gia tăng các mối lo ngại.

Các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nạn nhân vụ động đất, sóng thần lịch sử.


Nhà máy điện hạt nhân Fukushima tiếp tục phát nổ
Bất chấp những nỗ lực cứu vãn của Nhật Bản, ngày 15-3, hai lò phản ứng còn lại gồm lò số 4 và số 2 của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đã phát nổ làm 15 người thiệt mạng hơn 190 người bị phơi nhiễm phóng xạ. Hiện tượng rò rỉ chất phóng xạ đã xảy ra sau vụ nổ lò phản ứng số 2 khiến một phần vỏ bọc bị hư hại.  Hiện tại, nồng độ phóng xạ toàn bộ khu vực nhà máy đã lên tới mức tối đa là 400 milisievert - mức nguy hiểm cho sức khỏe con người. Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) cũng thừa nhận tình trạng nguy hiểm khi các thanh nhiên liệu bị tan chảy và bị phá hủy. Chính phủ Nhật Bản đã chính thức yêu cầu sơ tán người dân và thiết lập vùng cấm bay trong phạm vi bán kính 30km quanh Nhà máy Fukushima số 1. Có khoảng 70.000 người dân đã được sơ tán khỏi khu vực bán kính 20km từ nhà máy. Còn 140.000 người vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng. Theo nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, tất cả 4 lò phản ứng tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 2 đã tạm ngừng hoạt động một cách an toàn.

Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản vừa chỉ thị cho chính quyền tất cả các tỉnh, thành phố hằng ngày phải báo cáo kết quả đo nồng độ phóng xạ trong môi trường. Trong khi đó, Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức cấp cao xác nhận, đã phát hiện có phóng xạ "ở mức độ thấp" tại thủ đô Tokyo.

Tiếp tục các nỗ lực cứu hộ
Lực lượng cứu hộ tại Nhật Bản đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm các nạn nhân còn sống tại các khu vực bị động đất, sóng thần tàn phá. Chính phủ đã điều động 100.000 binh sĩ - gần 1 nửa lực lượng quân đội nước này tham gia công tác cứu trợ. Một số trường hợp sống sót thần kỳ đã được ghi nhận trong những ngày qua.

Ngày 15-3, thành viên của lực lượng phòng vệ đã tìm thấy một em bé 4 tháng tuổi bị vùi lấp khi sóng thần quét qua làng Ishinomaki ngày 11-3. Cha của em bé cho biết, dòng nước đã cuốn phăng em bé khỏi vòng tay của người thân. Suốt ba ngày liền sau động đất và sóng thần, gia đình hoảng hốt đi tìm và may mắn đã đến với họ. Cô bé không bị trầy xước gì và trong tình trạng sức khỏe tốt. Ngoài cô bé ở Ishinomaki, lực lượng cứu hộ cũng cứu thoát một người đàn ông 60 tuổi bị sóng cuốn xa bờ tới 15km ngoài biển, một phụ nữ 70 tuổi khác được cứu sống trong ngôi nhà bẹp nát sau 4 ngày bất tỉnh.

Đến cuối ngày 15-3, số người thiệt mạng do trận động đất, sóng thần lịch sử chính thức được thông báo là 6.000, song trên thực tế con số này có thể vượt quá 10.000 người. Hiện tại, hơn 500.000 người bị mất nhà cửa, khoảng 1,4 triệu người đang trong tình trạng thiếu nước uống, lương thực.

Bất chấp tình trạng thiếu lương thực và nước uống, người dân Nhật Bản vẫn trật tự đợi đến lượt mua hàng.

Cộng đồng quốc tế chung tay khắc phục khó khăn
Ngày 15-3, Bộ trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) đã nhóm họp tại Paris (Pháp) để thảo luận cách thức hỗ trợ tốt nhất cho Nhật Bản. Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc đã quyết định hỗ trợ thêm 5 triệu NDT (hơn 760.000 USD) cho Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, ngoài 1 triệu USD mà tổ chức này đã thông báo trước đó. Các tổ chức cứu trợ của Mỹ, trong đó có Hội chữ thập đỏ Mỹ, Hội Cứu trợ trẻ em, Lực lượng Quân đội cứu hộ, cùng nhiều doanh nghiệp của Mỹ như Ngân hàng Goldman Sachs, Morgan Stanley, Tập đoàn Bảo hiểm Aflac... cho biết đã quyên góp được hơn 22 triệu USD để hỗ trợ các nạn nhân Nhật Bản.

Cho đến nay, Nhật Bản đã nhận được lời đề nghị trợ giúp từ 94 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 9 tổ chức quốc tế. Các đội cứu hộ từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đã tới Nhật Bản và triển khai hoạt động tại các vùng bị nạn.

Thế giới khâm phục tinh thần của người Nhật Bản
Bàng hoàng, xót xa và chia sẻ cảm thương với những tổn thất mà người dân Nhật Bản đang phải gánh chịu nhưng thế giới cũng không khỏi kinh ngạc và khâm phục trước sự bình tĩnh vượt lên nỗi đau của người dân xứ sở Mặt trời mọc.

Tại những nơi hàng hóa từ các tổ chức cứu trợ được đưa tới, mọi người xếp hàng đúng trật tự, lịch sự, bình tĩnh, không có thông tin về các cuộc tranh giành. Các siêu thị Nhật đã giảm giá mạnh và các chủ sở hữu máy bán hàng tự động đã mở cửa các máy bán hàng của họ và phân phát nước uống miễn phí cho các nhân viên cứu trợ, các nhân viên cứu hộ khẩn cấp và những người tình nguyện tham gia trợ giúp trong thảm họa. Việc sơ tán người dân tại các khu vực nguy hiểm diễn ra rất khẩn trương và hiệu quả.

Báo chí thế giới cũng tràn ngập những lời ca ngợi dành cho người Nhật và công tác chuẩn bị đối phó thiên tai của nước này. Tờ National Post của Canada bình luận rằng tầm nhìn xa của Nhật Bản đã cứu "hàng chục nghìn mạng sống". Tờ The Wall Street Journal trong phần xã luận viết: "Sau trận động đất kinh hoàng 300 năm mới có một lần, người Nhật đã giữ được bình tĩnh giữa tình trạng loạn lạc, thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn khổng lồ và nhận được sự ngưỡng mộ của cả thế giới".

Bác bỏ tin đồn “mây phóng xạ, mưa axit” tại Việt Nam


Ngay sau 2 vụ nổ tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 của Nhật Bản, từ trưa ngày 15-3, một tin nhắn có nội dung khuyến cáo không nên ra đường để tránh bị ảnh hưởng của mây phóng xạ và mưa axit đã lan tràn trên các mạng xã hội, bao gồm cả công cụ giao tiếp Yahoo khiến nhiều người hoang mang. Trước những thông tin này, các nhà khoa học Việt Nam đều khẳng định đây là tin đồn thất thiệt. Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết: "Không có một cơn gió nào có thể đưa bụi phóng xạ từ Nhật Bản thổi đến Việt Nam, cũng như không có gió thổi từ Nhật Bản đến Trung Quốc sau đó ảnh hưởng đến nước ta mà chỉ có gió từ Việt Nam thổi đến Nhật Bản. Vì thế, những cơn mưa hiện nay là do ảnh hưởng của gió mùa, không phải là mưa axit, không chứa phóng xạ".
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chạy đua với thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.