(HNM) - Cấp phép cho một cây xăng hoạt động đòi hỏi nhiều tiêu chí như đủ rộng để ô tô ra vào, nằm xa khu dân cư, bệnh viện, trường học…
Hiện trường vụ cháy. |
Vụ cháy kinh hoàng
Sau hơn 5 tiếng đồng hồ, cuối giờ chiều 3-6, đám cháy tại cây xăng thuộc Công ty Xăng dầu quân đội - Trạm xăng dầu số 9 ở số 2B, Trần Hưng Đạo mới được dập tắt. Theo thông tin ban đầu, ngọn lửa lớn đã nhanh chóng thiêu rụi chiếc xe téc đang đổ xăng vào hầm của cây xăng này rồi lan sang khu vực xung quanh. Hậu quả, hai căn nhà cao tầng, 1 xe ô tô cùng hàng chục xe máy đỗ gần đó bị hủy hoại. Đám cháy tạo cột khói đen lớn, ngọn lửa bốc cao, mùi xăng nồng nặc bao trùm không khí đã khiến cho người dân trong khu vực hoảng sợ. Trong bán kính vài trăm mét kể từ điểm xảy ra cháy, cơ quan chức năng đã sơ tán người dân để bảo đảm an toàn. Lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, Đội CSGT số 1, Ban chỉ huy Quân sự quận Hoàn Kiếm với hàng trăm chiến sỹ đã lập tức có mặt tại hiện trường để khống chế vụ hỏa hoạn. Cơ quan chức năng nhận định, rất may đã không có vụ nổ nào xảy ra, nếu không hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Trong nỗ lực dập lửa, 9 chiến sỹ PCCC đã bị bỏng và ngạt khói, phải nhập viện. Theo nhiều nhân chứng kể lại, trong lúc nhân viên bơm xăng từ xe téc ra, đã có hiện tượng rò rỉ xăng dầu. Xăng dầu chảy theo rãnh nước đến một bếp than tổ ong của một hộ kinh doanh ăn uống ngay sát cây xăng. Chủ quán cơm bị bỏng ngay ở chân, lửa bùng lên một chiếc ô tô đậu gần đó và quay ngược trở lại cây xăng. Ba nhân viên bán xăng và nhiều người dân gần đó đã bị bỏng nhẹ… Đáng chú ý, khi lực lượng chức năng tưởng như khống chế được ngọn lửa sau hơn 1 giờ chữa cháy bằng nước, ngọn lửa đã bùng lên trở lại và ngày càng dữ dội hơn cho đến khi lực lượng chức năng được hỗ trợ từ Bộ CA dùng cát để phong tỏa đám cháy và tiến hành bơm bọt đúng quy chuẩn. Đám cháy đã gây thêm thiệt hại khi Tổng Công ty Điện lực Hà Nội phải cắt điện trên nhiều tuyến phố để phòng hỏa hoạn lây lan và phục vụ công tác dập lửa.
Chiều 3-6, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết đã mời Viện Kiểm sát quân sự, đồng thời phối hợp với CATP Hà Nội cùng vào cuộc điều tra nguyên nhân. Để ngăn chặn vụ việc tương tự có thể xảy ra, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi khẳng định, trong thời gian sớm nhất, Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội sẽ tiến hành thanh, kiểm tra về an toàn phòng cháy chữa cháy toàn bộ các cây xăng trên địa bàn thành phố.
Đến đêm qua, đoạn đường qua cổng Bệnh viện 108 vẫn bị phong tỏa để các xe cứu hỏa tiếp tục bơm nước làm mát, giảm nhiệt cho khu vực...
Cán bộ, chiến sỹ PCCC đang được điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn. |
Nhiều cây xăng có "tín hiệu đỏ"
Trên địa bàn Hà Nội, hiện có khoảng 500 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, tiêu thụ hàng triệu lít xăng dầu mỗi ngày. Tại khu vực các quận nội thành, có hàng loạt cây xăng nằm sát khu vực đông dân cư, có nguy cơ cao về cháy nổ. Đơn cử, cây xăng số 179 Đê La Thành (quận Đống Đa); số 1 Láng Hạ; cửa hàng xăng dầu số 233 phố Khâm Thiên (quận Đống Đa); cây xăng 185 Nguyễn Lương Bằng; cây xăng 171 Trường Chinh...
Theo quy hoạch hệ thống cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn đến năm 2015, Hà Nội dự kiến xóa bỏ, giải tỏa 10 cửa hàng trước ngày 30-12-2014; di dời theo dự án khác 45 cửa hàng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng chỉ đạo 52 cửa hàng cần nâng cấp, cải tạo... Từ nay đến năm 2015, Hà Nội dự kiến xây thêm tổng cộng 193 cửa hàng xăng dầu các loại trên địa bàn. Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, đây là một trong số quy hoạch quan trọng thuộc lĩnh vực thương mại. Theo đó, quy hoạch mới sẽ xử lý một số tồn tại, bất cập hiện nay; trong đó, sẽ giải tỏa nhiều cửa hàng xăng dầu do "vướng" vào quy hoạch khác hoặc cần GPMB để lấy diện tích xây dựng công trình công cộng.
Như vậy, trong ba ngày từ 1 đến 3-6, trên địa bàn thành phố xảy ra ba đám cháy liên tiếp và vụ việc nào cũng lộ rõ nhiều bất cập về công tác PCCC. Điều đáng nói là việc cứu hỏa ở khu vực cây xăng số 2, Trần Hưng Đạo vào hôm qua ngay từ đầu đã bộc lộ nhiều khiếm khuyết như dùng nước để chữa cháy xăng dầu thay vì dùng bọt và hóa chất (có lẽ vì thế mà nhiều cán bộ, chiến sỹ PCCC bị thương khi làm nhiệm vụ).
Với những tiêu chí như xa khu dân cư, bệnh viện, trường học, không gần khu vực an toàn lưới điện… liệu cây xăng số 2, Trần Hưng Đạo nói riêng, hàng loạt cây xăng không bảo đảm an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn Hà Nội nói chung có nằm trong diện di dời?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.