Thành công của
Cảnh trong phim "Chạy án" phần II.
Trước ngày phim phát sóng, PV đã có cuộc trao đổi với đạo diễn Hồng Sơn (ĐD HS).
- Thưa ông, khán giả màn ảnh nhỏ liệu có quyền hy vọng về sự hấp dẫn với nhiều tình tiết mới, bất ngờ hơn ở "Chạy án" II?
ĐD HS: Bộ phim là những câu chuyện có thật đã đăng tải trên các báo và được cụ thể hóa trong một nhân vật, vì thế, câu chuyện mang tính hư cấu cao chứ không nhằm ám chỉ một ai, nhưng người xem vẫn có thể liên tưởng đến một người nào đó trong cuộc sống với nhiều tình tiết hấp dẫn và quyết liệt.
Khán giả luôn hiểu được thông điệp phía sau câu chuyện là gì, để cùng tìm tòi và phát hiện. ở phần I, khán giả chưa thật hài lòng khi chưa thấy có nhiều tình tiết "Chạy án" đúng như tên phim, thì ở phần II, mong muốn của khán giả sẽ được đáp ứng qua các câu chuyện cụ thể, chi tiết với đủ các mánh lới lợi dụng kẽ hở của luật pháp, sức mạnh của đồng tiền trong việc chạy án.
- Như vậy, "Chạy án" II sẽ quyết liệt, đi tới cùng trong từng vụ án như mong muốn của khán giả?
ĐD HS: Phim truyện không bao giờ phản ánh cặn kẽ cuộc đấu tranh với những vấn đề xã hội, mà chỉ làm công việc đi sâu phân tích tâm lý nhân vật. Bởi nếu bám vào tính thời sự, không bao giờ phim truyện theo kịp. Vả lại, như thế, tôi sẽ bị khán giả "lái" theo. Mà tôi muốn thực hiện phim theo đúng ý đồ của mình.
- Nhưng những người làm phim vẫn có thể gửi vào tác phẩm khát vọng lớn về công bằng xã hội?
ĐD HS: Mục đích của phim truyện truyền hình là giải trí và thông qua từng nhân vật, từng câu chuyện, khán giả sẽ rút ra cho mình một điều gì đó trong cuộc sống, chứ không phải đi sâu vào cuộc đấu tranh với những vấn đề xã hội. Làm thế, tôi e sẽ áp đặt sự chủ quan với khán giả. Tốt hơn cả là cùng với khán giả phân tích và giải quyết vấn đề.
- Nhân vật tội phạm của "Chạy án" II có thoát khỏi logic thông thường mà phim Việt vẫn có, là đã xấu thì chỉ có "đen từ đầu tới cuối" và ngược lại?
ĐD HS: Trong bất cứ con người nào cũng luôn tồn tại 2 thái cực: xấu và tốt, tùy theo từng thời điểm và ranh giới cũng thật mong manh. Là người tốt, nhưng nếu một lúc nào đó, không đấu tranh nổi với chính mình, thì anh dễ trở thành kẻ xấu. Bởi như thế, mới là xã hội. Đó là vài nét về các nhân vật trong "Chạy án" II.
- Các nhân vật Công an trong phim thì sao?
ĐD HS: Hình ảnh người chiến sĩ Công an trong "Chạy án" II xuất hiện một cách bình dị, gần gũi đời thường chứ không căng cứng như khán giả vẫn thường gặp. Phim cũng đưa ra một số vấn đề về sự thay đổi, lớn mạnh của lực lượng Công an hiện nay, đặc biệt là của lực lượng cơ động.
- "Chạy án" I có cho ông kinh nghiệm gì để làm "Chạy án" II?
ĐD HS: Không có chuyện đó! Trước một vấn đề, tôi bao giờ cũng tìm ra một chìa khóa để đưa cách tiếp nhận mới cho người xem, chứ không lặp lại mình. Cho dù "Chạy án" I và "Chạy án" II cùng là một câu chuyện, cùng một dàn diễn viên, nhưng cách xử lý các vấn đề lại hoàn toàn khác nhau.
- Thành công của "Chạy án" I có là áp lực cho ông khi làm "Chạy án" II?
ĐD HS: Áp lực với chúng tôi là sự yêu mến của công chúng. Vì thế, chúng tôi phải làm sao vượt lên được tâm lý của khán giả về sự thành công ở phần I, để tiếp tục bứt lên, làm phần II cho hay hơn. Mỗi tập của phần II sẽ như một bộ phim truyện nhựa với việc đáp ứng các đòi hỏi cao về bố cục, cách kể, kịch tính… chứ không đơn giản là các bộ phim truyền hình.
- Như ông nói, đây là bộ phim mà ông cùng êkip làm phim dồn nhiều tâm sức. Ông có dự định tiếp tục theo đuổi mảng đề tài luôn được công chúng quan tâm nhưng không phải dễ làm này?
ĐD HS: Có lẽ đây là bộ phim cuối cùng của tôi, vì nhiều lý do. Một trong những lý do là tôi sợ đi theo lối mòn, sợ khán giả sẽ phải ăn mãi một món. Tôi thấy cần phải làm mới mình trong những đề tài khác.
- Xin cảm ơn ông
T. Hằng (CAND)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.