Châu Phi đang phải đối mặt với tổn thất ngày càng nặng nề do biến đổi khí hậu khi nhiều quốc gia phải chi tới 9% ngân sách để đối phó với các hiện tượng khí hậu cực đoan, AP dẫn một báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết.
Mặc dù thải ra lượng khí thải nhà kính thấp hơn nhiều so với các châu lục khác, nhiệt độ của châu Phi đã tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu.
Các quốc gia châu Phi hiện đang mất trung bình 2% đến 5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do ứng phó với các đợt nắng nóng chết người, mưa lớn, lũ lụt, lốc xoáy và hạn hán kéo dài, theo báo cáo Tình hình khí hậu ở châu Phi năm 2023 của WMO.
Đối với khu vực châu Phi cận Sahara, việc thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ tốn khoảng 30-50 tỷ USD mỗi năm trong thập kỷ tới, báo cáo cho biết, đồng thời kêu gọi các quốc gia đầu tư vào các dịch vụ khí tượng và thủy văn, đẩy nhanh việc triển khai các hệ thống cảnh báo sớm để tránh các trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.
Cảnh báo của WMO được đưa ra khi các quốc gia châu Phi cân nhắc cách sử dụng các cuộc họp tại Hội nghị thường niên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) diễn ra cuối năm nay để đảm bảo được một phần lớn hơn trong nguồn tài trợ khí hậu toàn cầu.
Đầu tháng 8, các quan chức chính phủ cho biết, châu lục gồm 54 quốc gia này đã thu hút được nhiều viện trợ hơn cho các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu trong những năm gần đây, nhưng vẫn nhận được chưa đến 1% tổng nguồn tài trợ toàn cầu hằng năm cho khí hậu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.