Ngày 24-2, không có một máy bay nào trên bầu trời Hy Lạp vì nhân viên ngành hàng không bãi công khiến toàn bộ các hoạt động tại quốc gia này bị ngưng trệ. Chưa dừng lại đó, làn sóng này đang lan khắp châu Âu, mạnh nhất trong hơn 4 thập kỷ qua.
Ở Hy Lạp, đây là một cuộc tổng bãi công của cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Rất ít các phương tiện giao thông hoạt động ngày hôm nay và không có bất cứ thông tin nào về chuyện này, vì các nhân viên truyền thông Hy Lạp cũng tham gia đông đảo vào phong trào phản kháng chống lại việc thu nhập giảm sút, việc làm bấp bênh, kể cả trong khu vực nhà nước- vốn là điều chưa từng xảy ra. Họ cũng chống lại việc tăng giá và các khoản thuế gián thu, đã hay sẽ được chính phủ ban hành.
Không chỉ các công nhân ở Hy Lạp. Tại Tây Ban Nha, hàng chục nghìn người cũng đổ xuống phố. Tại Pháp, các nhân viên không lưu và công nhân các nhà máy lọc dầu cũng nghỉ việc.
Ở Đức, cuộc đình công của phi công hãng hàng không Lufthansa lập tức đã khiến các sân bay của châu Âu trở nên quá tải.
Liên đoàn lao động của ngành giao thông ở CH Séc hôm qua quyết định sẽ biểu tình vào ngày 1/3 tới để phản đối mức thuế giá trị gia tăng mới áp đặt với tiền lương của các công nhân ngành này.
Biểu tình và đình công bùng phát khắp châu Âu trong bối cảnh các nền kinh tế của khu vực này rất ý thức về tình trạng kinh tế đen tối của mình. Với khẩu hiệu chính của cuộc tổng đình công là con người và nhu cầu sinh sống phải được đặt lên trên thị trường và lợi nhuận, những người tham gia biểu tình nhấn mạnh rằng gánh nặng của cuộc khủng hoảng đã được chất một cách bất công lên lưng những người lao động, vốn đã bị mất dần các quyền lợi, các khoản hưu trí và thu nhập.
Tỷ lệ thất nghiệp tại 16 nước thuộc khu vực đồng euro ở mức 10%, trong đó Tây Ban Nha giữ vị trí quán quân với con số 19%, cũng là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình lớn lần này.
Biểu tình lớn nhất là ở Hy Lạp. Ngày 23/2, các chuyên gia của Ủy ban châu Âu, Ngân Hàng Trung ương châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế đã tới thủ đô Athens để thảo luận với chính phủ Hy Lạp các biện pháp phục hồi kinh tế trong bối cảnh toàn bộ hoạt động của Hy Lạp.
Trong năm 2009, thâm hụt ngân sách của Hy Lạp đạt mức 12,7%, nợ của Nhà nước lên tới khoảng 300 tỷ euro, tương đương 125% tổng sản phẩm nội địa. Theo dự tính, trong năm nay 2010, tỷ lệ này sẽ lên tới 133% GDP, tương đương 326 tỷ euro. Các cuộc biểu tình, bãi công tại Hy Lạp không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn làm cho giới đầu tư lo ngại, thị trường tài chính quốc tế không tin tưởng, gây khó khăn cho chính phủ trong việc đi huy động vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.