(HNM) - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde vừa đưa ra cảnh báo: "Cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu đã tạm lắng nhưng chúng ta không thể để bị ru ngủ bởi cảm giác an toàn giả tạo". Và Châu Âu quả thật chưa an toàn.
Cảnh báo của IMF rằng tình trạng nợ xấu tại khu vực Trung và Đông Âu đang hình thành một hiểm họa mới tại châu lục một lần nữa gióng lên hồi chuông về nguy cơ mới mà Lục địa già phải đối mặt.
Trung và Đông Âu tuy ngoài vùng khủng hoảng nợ công nhưng đã vướng vào nợ xấu. |
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần 4 năm trước đây, nhưng khu vực Trung và Đông Âu lại chưa bị những vòng xoáy kinh hoàng của cơn bão nợ công chạm tới. Thế nhưng, việc các khoản nợ xấu tại đây đã leo từ 3% thời tiền khủng hoảng lên mức 13% như hiện nay đã cho thấy khu vực này rất có thể sẽ hết "miễn nhiễm" trước đại dịch nợ công vẫn đang làm khốn đốn không ít nền kinh tế tại Lục địa già. Các nhà lãnh đạo Châu Âu không thể không cảnh giác với thực tế nợ xấu của những quốc gia vùng Balkan và Baltic đã ngang ngửa với một số nước tại châu lục khi bước vào cuộc khủng hoảng nợ.
Nợ xấu không chỉ là ẩn họa đe dọa phá vỡ hệ thống tín dụng mà còn có khả năng châm ngòi cho những bất ổn nghiêm trọng với toàn bộ nền kinh tế. Nỗi ám ảnh về những khoản nợ không thể thanh toán của Hy Lạp vẫn còn đó. Căn bệnh chi nhiều hơn thu phát ra từ Athens chính thức đưa Châu Âu vào cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng và chưa từng có trong lịch sử tài chính châu lục. Do đó, khi còn chưa nguôi với nỗi lo luôn được làm mới từ Athens hay thu xếp ổn thỏa những khó khăn tại những quốc gia đang ngập trong sóng nợ như Italia, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha… sự suy yếu của nền tảng tài chính tại Trung và Đông Âu do nợ nần thực sự đang là một cú sốc mới với Châu Âu vẫn đang trong bão nợ.
Nguy hiểm là Trung và Đông Âu có vẻ không cách xa quỹ đạo nợ mà Hy Lạp từng đi qua là bao. Trên thực tế, các khoản nợ xấu tại những quốc gia lâm nạn đã không còn là vấn đề của các ngân hàng mà quan trọng hơn, các món nợ cùng rắc rối của chúng đã khởi nguồn cho tình trạng thắt chặt tín dụng, mất giá tài sản đe dọa sự vận hành và tăng trưởng của các nền kinh tế. Chưa thể khẳng định những khốn khó hiện nay mà các nước Trung và Đông Âu đang trải qua có phải là hậu quả của một thời kỳ bùng nổ tín dụng trước khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu diễn ra hay không, song chắc chắn Châu Âu đang rất cần sự hồi phục từ khu vực từng là vùng "miễn dịch" với căn bệnh nợ công, giữa lúc rất nhiều quốc gia Châu Âu đã rơi vào số âm trong tăng trưởng.
Nhiều biện pháp cấp thời đã được đưa ra với mong muốn không để khu vực này lún sâu thêm vào vũng lầy nguy hiểm, như tăng tốc thu các khoản nợ, thậm chí sẽ thanh lý các hợp đồng vay nợ không còn hy vọng thu hồi… đã được các chuyên gia kinh tế đề cập tới. Nhưng, dù thế nào thì đây cũng không phải là chuyện có thể kết thúc trong một sớm một chiều. Hiệu quả đến đâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phối hợp của các nhà hoạch định chính sách, các ngân hàng cùng thể chế tài chính. Có lý do để tin rằng, việc phát đi một cảnh báo sớm từ IMF với phần được cho là an toàn về tài chính của Châu Âu sẽ khiến quá trình hàn gắn những rạn nứt trong hệ thống tín dụng Trung và Đông Âu có thể bớt đau đớn hơn và thu được nhiều thành công hơn.
Phải "để mắt" tới Trung và Đông Âu là gánh lo mới với các nhà lãnh đạo Lục địa già, khi các nền tài chính từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha vẫn chưa thoát hiểm. Vì thế, tin IMF vừa quyết định cho Bồ Đào Nha vay 5,17 tỷ euro như quà tặng cho những bước tiến đáng kể trong chương trình cải cách kinh tế cũng chẳng khiến các nhà đầu tư hào hứng hơn. Chứng khoán Châu Âu tuần qua nhuộm trong sắc đỏ khi Lục địa già vẫn phập phồng trong bất ổn. Với những thử thách mới nổi từ Trung và Đông Âu, Châu Âu xem ra chưa thể sớm qua cơn bĩ cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.