(HNM) - Với mục tiêu hồi sinh nền kinh tế đang trì trệ của Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã quyết định tung ra gói kích thích lên tới 1,1 nghìn tỷ euro.
Nhiều chuyên gia tỏ ra thận trọng trước gói kích thích kinh tế do Chủ tịch ECB Mario Draghi (người đi đầu) công bố. |
Về cơ bản, gói kích thích khổng lồ này không khác mấy so với gói nới lỏng định lượng (QE) mà Mỹ và Anh đã thực hiện trong thời gian qua. Tức là, ECB sẽ phải in thêm tiền để mua trái phiếu chính phủ hoặc chứng khoán. Đây là một cách bơm tiền cho nền kinh tế với mục tiêu tăng cường lượng lưu thông tiền tệ, qua đó tăng thanh khoản, kích thích đầu tư và chi tiêu, đối phó với tình trạng giảm phát. Ngoài ra, việc in thêm tiền sẽ góp phần cân đối ngân sách và giải quyết tạm thời vấn đề nợ công. Cụ thể, theo Chủ tịch ECB Mario Draghi, cùng với các chương trình mua nợ của tư nhân và cấp hàng tỷ euro các khoản cho vay lãi suất thấp cho các ngân hàng, ECB sẽ in thêm tiền để mua số trái phiếu chính phủ trị giá 60 tỷ euro (69 tỷ USD) mỗi tháng ở Eurozone và chương trình này sẽ kéo dài tới năm 2016.
Quyết định của ECB đưa ra trong bối cảnh Châu Âu đang mắc kẹt trong "bẫy" tăng trưởng thấp. Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại Eurozone sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để có thể phục hồi hoàn toàn. Theo các dự báo mới đây của Ủy ban Châu Âu, tăng trưởng của Eurozone năm nay sẽ chỉ đạt tối đa 1,1%, thấp hơn 0,6% so với dự báo trước đó. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là những nguy cơ địa chính trị và viễn cảnh kinh tế toàn cầu không sáng sủa. Trong khi đó, nhiều thành viên Eurozone đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát kéo dài. Tình hình ảm đạm của 3 nền kinh tế chủ chốt trong khu vực là Đức, Pháp và Italia cũng khiến các nhà đầu tư không thể có cái nhìn lạc quan.
Mặc dù việc bơm tiền cho thị trường có thể cải thiện tình trạng giảm phát nhưng lượng tiền tràn ngập cũng mang lại nhiều rủi ro. Bằng chứng là ngay sau khi gói kích thích chính thức được công bố, tỷ giá đồng euro so với USD đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 11 năm qua. Trên thị trường giao dịch ngày 23-1, 1 euro chỉ đổi được 1,13 USD. Tỷ giá thấp là một đòn bẩy quan trọng cho xuất khẩu, tuy nhiên đây cũng là con dao hai lưỡi bởi sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia kinh tế đã tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả mà gói kích thích mang lại. Ngay cả Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho rằng giải pháp này chưa phải là chìa khóa để có thể khiến nền kinh tế khu vực trở nên sáng hơn. Theo bà A.Merkel, sự phục hồi kinh tế thực sự phải đến từ những điều kiện cơ bản và phù hợp được các chính phủ đưa ra. Sở dĩ người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất Châu Âu nhận định như vậy là vì theo điều khoản của gói kích thích, ECB sẽ cùng với ngân hàng các nước thành viên mua trái phiếu chính phủ của các nước tùy theo tiềm lực vốn. Điều này có nghĩa là các nền kinh tế lớn như Đức sẽ mua nhiều nợ hơn so với những nước thành viên nhỏ hơn như Ireland. Ngoài ra, chỉ 20% số trái phiếu được mua là thuộc trách nhiệm của ECB. Như vậy, phần lớn những thiệt hại tiềm tàng trong trường hợp một thành viên ở Eurozone vỡ nợ sẽ do ngân hàng của chính nước đó gánh chịu.
Trong khi đó, một số ý kiến khác cho rằng, gói QE lần này thực ra chỉ để bù lại số tiền 1.000 tỷ euro ECB đã rút về trong vòng hai năm qua. Sẽ là phản tác dụng nếu chuyển những rủi ro sang cho ngân hàng trung ương các nước và ECB không tạo được một chính sách tiền tệ thống nhất. Thế nhưng, nếu nhìn ở mặt tích cực của vấn đề, Châu Âu không có nhiều sự lựa chọn để tăng tính linh hoạt cho nền kinh tế đã trì trệ quá lâu của Lục địa già.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.